Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nam Triều Tiên sẽ triển khai hệ thống phi đạn phòng vệ THAAD


Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Hoa Kỳ.
Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã loan báo kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trên bán đảo Triều Tiên để chống lại chương trình phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân mà Bắc Triều Tiên đang tiến hành.

Đại tướng Thomas Vandal, Tham mưu trưởng các Lực lượng Hoa Kỳ tại Triều Tiên và Thứ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Ryu Je-seung đã chính thức loan báo việc này trong một cuộc họp báo chung tại Seoul ngày 8/7.

Tướng Vandal nói: “Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí giết người hàng loạt, trái ngược với những cam kết của họ đối với cộng đồng quốc tế. Việc này bắt buộc liên minh chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta vẫn duy trì khả năng tự bảo vệ trước mối đe dọa này”.

Vào tháng 2 năm nay, tiếp sau vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất và vụ phóng một phi đạn tầm xa sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo, Washington và Seoul bắt đầu các cuộc tham khảo chính thức để thảo luận tính khả thi của việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD.

Thứ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Ryu Je-seung nói:

“Toán đặc nhiệm hỗn hợp của hai nước đã xác nhận tính hữu hiệu về quân sự của THAAD hoạt động tại nước Cộng hòa Triều Tiên, và đang làm việc về việc chuẩn bị cuối cùng để đề nghị lên bộ trưởng quốc phòng của hai nước những địa điểm tốt nhất, nơi hệ thống THAAD này sẽ hữu hiệu và môi trường, sức khỏe, an toàn có thể được đảm bảo”.

Hệ thống THAAD được thiết kế để ngăn chặn và hủy diệt các phi đạn đạn đạo trong giai đoạn cuối của hành trình của nó. Cho đến nay, hệ thống này đã chứng tỏ là hữu hiệu trong việc ngăn chặn các phi đạn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Cuộc chạy đua vũ trang

Trung Quốc hôm 8/7 lại lên tiếng mạnh mẽ chống đối việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống THAAD tại Nam Triều Tiên và hối thúc hai nước hãy ngưng việc này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ và Đại sứ Nam Triều Tiên tới để phản đối.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hệ thống phòng thủ phi đạn không có lợi cho việc gìn giữ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẽ làm tổn hại nghiêm trọng an ninh của các quốc gia trong vùng, kể cả Trung Quốc.

Bắc Kinh trong quá khứ đã nêu lên những quan ngại là hệ thống rađa của THAAD sẽ được dùng để xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.

Moscow cũng chỉ trích hệ thống phòng thủ này và hôm 8/7 cảnh cáo triển khai hệ thống này sẽ có những "hậu quả không lật ngược lại được" và sẽ làm căng thẳng leo thang trong vùng.

Bình Nhưỡng loan báo đã phóng thành công phi đạn tầm trung Musudan vào ngày 23/6/2016.
Bình Nhưỡng loan báo đã phóng thành công phi đạn tầm trung Musudan vào ngày 23/6/2016.

Bình Nhưỡng cũng chỉ trích loan báo của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.

Một thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố hôm 8/7 nói rằng “khi hệ thống THAAD được triển khai trên bán đảo Triều Tiên, hệ thống này chỉ chú trọng duy nhất vào những đe dọa hạt nhân và phi đạn đến từ Bắc Triều Tiên, và không nhắm bất cứ quốc gia thứ ba nào.

Những tiến triển của Bắc Triều Tiên

Các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nói Bắc Triều Tiên tiếp tục tiến hành phát triển khả năng hạt nhân và phi đạn bất chấp những chế tài của Liên Hiệp Quốc đã khiến cho đồng minh phải triển khai hệ thống THAAD, dù có phản đối của Trung Quốc.

Tháng trước, Bình Nhưỡng đã phóng thành công một phần phi đạn tầm trung Musudan. Dù phi đạn này chỉ bay khoảng 400 kilômét trước khi rơi xuống biển, nhưng có những chỉ dấu cho thấy quân đội Bắc Triều Tiên đã có hay gần có khả năng phát triển các phi đạn có thể bắn tới những căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Á và Thái Bình Dương.

Bắc Triều Tiên được biết có 30 phi đạn Musudan và 1.000 phi đạn kiểu Xô viết có thể bắn tới những mục tiêu tại Nam Triều Tiên và Nhật Bản.

Giới hữu trách Hoa Kỳ cũng nói họ tin là Bắc Triều Tiên có đủ plutonium để chế tạo từ 8 đến 12 vũ khí hạt nhân và khả năng thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để có thể đặt trên phi đạn tầm xa KN-08, dù khả năng này chưa được chứng minh.

Những chế tài của Liên Hiệp Quốc

Kể từ năm 2006, Liên Hiệp Quốc đã áp đặt những chế tài ngày càng mạnh mẽ hơn lên Bắc Triều Tiên vì nước này vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và chương trình phi đạn đạn đạo bị cấm.

Trong năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt thêm nhiều biện pháp khắc nghiệt mới, trong đó có việc ngưng chuyển tiền và hạn chế buôn bán những khoáng sản sinh lợi sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1 năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG