Đường dẫn truy cập

Mỹ muốn đưa tàu chiến tới tuần tra Biển Đông


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong một cuộc họp báo tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở trụ sở Liên minh, Brussels, Bỉ, ngày 8/10/2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong một cuộc họp báo tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở trụ sở Liên minh, Brussels, Bỉ, ngày 8/10/2015.

Hoa Kỳ đang xem xét việc đưa các tàu chiến vào gần khu vực các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm đưa ra dấu hiệu rằng Washington không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hôm 8/10.

Tờ Financial Times trích dẫn lời một quan chức cấp cao nói rằng, các tàu của Mỹ sẽ di chuyển trong vùng 12 hải lý, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải xung quanh các đảo mà Bắc Kinh đã xây dựng ở quần đảo Trường Sa trong vòng hai tuần tới.

Trong khi đó, trang tin Navy Times dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ nói rằng hành động này có thể diễn ra “trong vòng vài ngày”, nhưng vẫn đang chờ được chính quyền Obama phê chuẩn.

Một giới chức quốc phòng Mỹ từ chối xác nhận bất cứ quyết định nào đã được đưa ra, nhưng nhắc lại lời phát biểu tại buổi điều trần trước Quốc hội hồi tháng trước của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear rằng “tất cả các giải pháp đang được xem xét”.

Giới chức quốc phòng muốn được dấu tên cho biết:“Chúng tôi đang xem xét vấn đề này”.

Về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng Hoa Kỳ sẽ “bay, di chuyển bằng thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như các lực lượng Mỹ đang làm trên toàn thế giới”.

Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về các hoạt động bí mật trong tương lai của lực lượng hải quân.

Vào tháng Năm, lực lượng hải quân Trung Quốc đã đưa ra 8 cảnh báo đối với phi hành đoàn của máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ trong lúc Mỹ tiến hành các chuyến bay gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, theo phóng viên CNN có mặt trên chuyến bay.

Trung Quốc theo dõi chặt chẽ

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Năm rằng Trung Quốc đã chú ý đến những thông tin về hành động của hải quân Hoa Kỳ, và rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã duy trì “các trao đổi kỹ lưỡng” về vấn đề Biển Đông.

Bà Hoa nói: “Tôi tin rằng phía Hoa Kỳ đã cực kỳ rõ ràng về nguyên tắc lập trường của Trung Quốc”, bà nói. “Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ có thể xem xét một cách khách quan và công bằng về tình hình hiện nay ở Biển Đông, và cùng với Trung Quốc, thực sự đóng vai trò xây dựng trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông “hết sức quan ngại” về các đảo khi ông Tập thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Washington hồi cuối tháng Chín.

Tại thời điểm đó, ông Tập nói rằng Trung Quốc có ý định quân sự hóa các đảo, nhưng các nhà phân tích và quan chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã bắt đầu quân sự hóa các đảo và câu hỏi duy nhất hiện giờ là nước này đã lắp đặt bao nhiêu vũ khí quân sự.

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương cho biết, việc Trung Quốc đã phát triển các đảo, bao gồm cả việc xây dựng đường băng quân sự, là “mối quan ngại lớn” và đe dọa khu vực.

Trong buổi điều trần trước Quốc hội vào ngày 17/9, ông Harris nói rằng Hoa Kỳ cần phải thách thức tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải ở Biển Đông bằng cách tuần tra gần những hòn đảo nhân tạo và đã cân nhắc việc đi lại trong phạm vi 12 dặm các hòn đảo này.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết các khu vực ở biển Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau tại khu vực này.

Các quan chức quân đội Philippines nói rằng, Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu máy bay quân sự của nước này ra khỏi khu vực đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG