Truyền thông nhà nước Trung Quốc tố cáo Ấn Độ mở chiến dịch ngoại giao hải quân huy động sự ủng hộ từ Australia, Nhật Bản, và Việt Nam nhằm ngăn cản sức mạnh hàng hải của Bắc Kinh bành trướng ra Ấn Độ Dương.
Press Trust of India dẫn tường trình của tờ Hoàn cầu Thời báo về chuyến thăm của tàu hải quân Ấn Độ tới Đà Nẵng và Nhật Bản trong tuần này nói rằng ‘Việt Nam và Nhật đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và đang rất sẵn lòng hợp tác với Ấn Độ để hình thành các liên kết ngoại giao-an ninh trước mối đe dọa bành trướng hàng hải của Trung Quốc.”
Vẫn theo bài báo này, ba nước Việt-Ấn-Nhật ‘cùng nhau có thể thành lập một liên minh có thể bao vây Trung Quốc từ cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam Ấn Độ Dương.’
Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm với các chuyến thăm của tàu hải quân nước ngoài tới các nước dọc theo Biển Đông.
Trong khuôn khổ chính sách ‘Hướng đông’ và ‘Hành động Hướng đông’ của Ấn Độ, tàu hải quân INS Sahyadri của nước này đã cập cảng Đà Nẵng hôm 2/10 trong chuyến thăm 4 ngày nhằm thắt chặt quan hệ song phương và tăng cường các khả năng vận hành giữa hải quân Việt-Ấn trước khi lên đường tới Vịnh Sagami của Nhật.
Bài viết cũng nhắc tới chuyến thăm của Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Robin K Dhowan đến Australia trùng với Hội nghị Sức mạnh Hàng hải thường niên do hải quân hoàng gia Australia tổ chức.
Hoàn cầu thời báo nói ông Dhowan muốn dùng cơ hội này để tăng cường giao tiếp và huy động ủng hộ của lãnh đạo hải quân từ 40 nước trên thế giới.
Australia là một trong những căn cứ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây các hòn đảo nhân tạo trước các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với nhiều nước bao gồm Việt Nam và Philippines.
Tháng rồi, Ấn Độ và Australia tổ chức cuộc diễn tập hàng hải song phương đầu tiên ngoài khơi bờ biển Ấn Độ.
Chuyến thăm của tàu hải quân Ấn Độ tới Việt Nam trong tháng này diễn ra sau khi New Delhi loan báo được Hà Nội cấp phép thăm dò thêm 1 năm nữa tại lô dầu khí 128 trên Biển Đông cho tới giữa tháng 6 năm sau.
Lô này nằm trong khu vực Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền. Năm 2011, Bắc Kinh từng cảnh cáo công ty dầu khí Ấn Độ rằng công tác thăm dò của họ ngoài khơi bờ biển Việt Nam là ‘bất hợp pháp’ và ‘xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, một khuyến cáo mà hai nước Việt-Ấn đều phớt lờ.
Theo PTI/Want China Times