Trong một động thái rõ ràng để phản bác Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Ông Carter nói:
“Chúng tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu bè và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ thực thi các quyền đó vào những thời điểm và tại những địa điểm do chính chúng tôi quyết định, sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào, dù là ở Bắc Băng Dương hay trên các tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế khắp nơi trên thế giới, hay tại Biển Đông.”
Ông Carter đưa ra tuyên bố vừa kể trong một cuộc họp báo hôm thứ ba, và nói thêm rằng Biển Đông không phải và không thể là một ngoại lệ trong chính sách đó của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Trung Quốc đánh đi thông điệp dường như nhắm trực tiếp vào Hoa Kỳ, cảnh cáo các bên khác chớ có "hành động khiêu khích" ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa".
Bắc Kinh đưa ra lời cảnh cáo đó sau khi tin cho hay Mỹ đang cân nhắc việc điều tàu chiến tới gần vùng biển quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Mỹ có thể gia tăng hoạt động trong vùng biển tranh chấp
Được hỏi về thông tin này hôm qua, Bộ trưởng Carter không xác nhận mà cũng không phủ nhận ý định của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên ông nói rằng “những sự bất định và các hoạt động quân sự ráo riết trong Biển Đông đã có tác động, là khiến Mỹ siết chặt hợp tác hàng hải với nhiều quốc gia trong khu vực”.
Ông Carter nói các nước lớn trong khu vực yêu cầu ‘tương tác nhiều hơn” với Hoa Kỳ, và Hải quân Mỹ và Washington “có quyết tâm đáp ứng những yêu cầu đó.”
Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc là nước đòi chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn nhất trên tuyến hàng hải có nhiều tàu bè qua lại này.
Bắc Kinh đã xây dựng một chuỗi các đảo nhân tạo và gần đây đã hoàn thành hai đường băng có khả năng được dùng cho các máy bay quân sự.
Tuy không phải là một bên tranh giành chủ quyền tại vùng biển này, Mỹ hối thúc tất cả các bên trong cuộc tranh chấp ngưng chỉ tất cả các hoạt động cải tạo đất, và chấm dứt việc quân sự hoá các cơ sở tại đây.
Ông Carter lên tiếng giữa lúc ông và Ngoại trưởng John Kerry kết thúc các cuộc tham khảo ý kiến với các vị tương nhiệm Australia về một loạt vấn đề.
Lập trường của Australia
Trong một tuyên bố chung sau Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Úc-Mỹ (AUSMIN) hai nước đã bày tỏ "quan ngại" về hoạt động cải tạo đất và các dự án xây dựng của Trung Quốc hồi gần đây ở Biển Đông. Hai nước kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngoại Trưởng Kerry nói: "Bất kể một nước lớn tới đâu, nguyên tắc phải rõ ràng. Phải tôn trọng các quyền của tất cả mọi quốc gia khi nói tới luật hàng hải."
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói lập trường của Australia về khu vực có tranh chấp này giống như lập trường của Hoa Kỳ.
Bà kêu gọi các bên tranh chấp không nên hành động "đơn phương" hay theo cách có thể làm leo thang căng thẳng.