Một nguồn tin chính phủ nói với tờ Wall Street Journal rằng Mỹ đã hủy một cuộc hành quân “tự do hàng hải”, gọi tắt là FONOP, đã lên kế hoạch ở Biển Đông.
Vùng biển này chứng kiến tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng hơn trong những năm gần đây giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước khác.
Tin được Wall Street Journal đăng tối 26/4 cho hay để “giảm nhiệt” ở Biển Đông trong khi vẫn thể hiện quyết tâm đối với việc Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động gần bãi Scarborough, Mỹ lựa chọn không thực hiện hành quân tự do hàng hải, FONOP, mà thay vào đó đã tiến hành các cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough.
Biên tập viên Ankit Panda chuyên về an ninh và chính trị của The Diplomat đưa ra nhận định rằng tuy không có đủ thông tin đầy đủ về bối cảnh xung quanh việc hủy cuộc FONOP, song có phần chắc Mỹ muốn quản lý những diễn biến tiêu cực về ngoại giao với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thay vì một cuộc FONOP nữa, có thể gây ra phản ứng tiêu cực của bộ ngoại giao Trung Quốc, như các hoạt động trước đây ở Biển Đông đã gây ra, chính quyền của ông Obama đã lựa chọn việc phát đi tín hiệu ủng hộ Philippines. Điều này thể hiện qua chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter.
Tin tức của tờ Wall Street Journal cho biết với việc hủy FONOP, Washington đã chuyển sang thực hiện “3 cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough trong những ngày gần đây”.
Biên tập viên Panda của The Diplomat cho rằng việc hủy FONOP đã lên kế hoạch làm xói mòn những cam kết của các quan chức cấp cao Mỹ, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Carter, rằng các cuộc tuần tra sẽ diễn ra thường xuyên ở Biển Đông. Động thái này cũng báo hiệu vẫn đang có những căng thẳng giữa Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc về việc Mỹ chấp nhận một cái giá như thế nào đối với Biển Đông so với tổng thể quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Panda đánh giá rằng từ góc nhìn của Washington, việc hủy FONOP không hẳn hoàn toàn xấu. Cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough cũng có tác dụng tương tự như FONOP đối với Trung Quốc trong khi tiếp tục trấn an Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ.
Bãi Scarborough đã rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc trên thực tế từ năm 2012, sau khi các tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau căng thẳng quanh nơi này.
Mặc dù vậy, biên tập viên Panda nêu ra quan điểm rằng việc hủy FONOP có thể tai hại về lâu dài hơn so với hình dung của chính quyền của ông Obama. Về bản chất, FONOP là hoạt động thường lệ và có tính toàn cầu, không nhắm vào Trung Quốc, trên thực tế, các cuộc FONOP gần đây đã phản bác những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc và cả các bên khác ở Biển Đông. Hủy cuộc FONOP làm xói mòn tính chất thông điệp và tín hiệu của các hoạt động như vậy.
Theo Wsj, Thediplomat.com