Đường dẫn truy cập

Mỹ, EU kêu gọi Việt Nam phóng thích 3 blogger mới bị kết án


Công an trước cổng Tòa án Nhân dân TPHCM, nơi ba blogger bị đưa ra xét xử vì tội 'tuyên truyền chống nhà nước, ngày 24/9/2012
Công an trước cổng Tòa án Nhân dân TPHCM, nơi ba blogger bị đưa ra xét xử vì tội 'tuyên truyền chống nhà nước, ngày 24/9/2012
Tiếp sau Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu (EU) mới ra thông cáo lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội ‘thả ngay lập tức’ các blogger mới bị kết án.

Bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên của bà Catherine Ashton, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ về việc kết án những người viết blog là Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 24/9, bà Kocijancic cho biết các giới chức EU sẽ tiếp tục nêu vấn đề này với phía Việt Nam.

"Trong một phần của mối quan hệ giữa hai bên, chúng tôi đề cập tới một loạt các vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền. Chúng tôi không những trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm mà còn đề cập cả những việc hai bên không có chung quan điểm. Trong bối cảnh có vụ kết án, chúng tôi sẽ tiếp tục chú ý tới vấn đề nhân quyền."

Hôm 24/9, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) mức án 12 năm tù giam về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.

Blogger Tạ Phong Tần, Điếu Cày và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải
Blogger Tạ Phong Tần, Điếu Cày và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải
Trong khi đó, bà Tạ Phong Tần bị kết án 10 năm tù giam và ông Phan Thanh Hải bị án 4 năm tù giam. Ba blogger này còn bị quản thúc tại gia từ 3 tới 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Trong thông cáo ra ngày hôm qua, EU nhắc tới ‘quyền cơ bản của người dân được tự do bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết’.

Phát ngôn viên của người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cũng đề cập tới mối quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển tích cực giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam, nhưng cho rằng việc kết án các blogger ‘dường như quá nặng’, đồng thời kêu gọi Hà Nội ‘tôn trọng các cam kết quốc tế và thả ngay các blogger’.

Theo hãng tin AFP, trong phiên xử hôm 24/9, blogger Điếu Cày đã bày tỏ sự phẫn nộ vì sự bất công, tình trạng tham nhũng và độc đoán; đồng thời ông cũng nói rằng cho rằng theo luật Việt Nam và các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, các công dân có quyền tự do ngôn luận’.

Trong khi đó, giới chức tòa án cho rằng tội của các blogger này là ‘đặc biệt nghiêm trọng với mục đích rõ ràng là chống nhà nước’.

Trong khi đó, bà Victoria Nuland, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm qua cũng bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ về vụ kết án các blogger.

Cũng giống như người phát ngôn của EU, trong thông cáo của mình, bà Nuland cũng trích dẫn Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị khi nói tới vụ kết án hôm 24/9.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc kết án 3 blogger được nhiều người biết đến là hành động mới nhất trong một loạt các động thái của Việt Nam nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận.

Ngoài việc kêu gọi Hà Nội thả ngay các blogger, Hoa Kỳ còn yêu cầu Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm cũng như tôn trọng các cam kết quốc tế.

Dẫn lời Ngoại trưởng Hillary Clinton, bà Nuland cho rằng ‘bảo vệ nhân quyền là một bước đi cần thiết trong việc phát triển mối quan hệ song phương gần gũi và trưởng thành hơn’.

Việc Việt Nam kết án 3 blogger cũng tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức cổ vũ nhân quyền. Sau Human Rights Watch và Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế (CPJ) và Hội Ân xá Quốc tế đều lên án việc Hà Nội kết án nhiều năm tù đối với blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải.

Hai tổ chức này cho rằng Việt Nam đang gia tăng đàn áp báo chí và quyền tự do phát biểu trên Internet. Theo CPJ, Việt Nam hiện giam cầm ít nhất 14 nhà báo.

Việt Nam chưa lên tiếng hồi đáp trước phản ứng của Mỹ và EU cũng như các tổ chức cổ vũ nhân quyền quốc tế.

Nguồn: VOA's Interview, European Union, US State Department, CPJ, Amnesty International, AFP

VOA Express

XS
SM
MD
LG