Vòng đàm phán thứ 9 về Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (T-TIP) giữa Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ diễn ra tại New York hôm nay. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành hội đàm về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Tokyo giữa lúc áp lực gia tăng tại Quốc hội Mỹ về việc trao cho Tổng thống Obama quyền xúc tiến thương mại (TPA). Thông tín viên VOA Victor Beattie tường thuật.
Vòng đàm phán T-TIP cuối cùng, bắt đầu hai năm trước, dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày. Các cuộc thảo luận nhắm mục tiêu dỡ bỏ các thuế quan, loại bỏ tình trạng quan liêu và nới lỏng các hạn chế về đầu tư trong khu vực thương mại với 800 triệu người. Thỏa thuận này được cho là có tiềm năng tạo khoảng 13 triệu việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Khối Liên hiệp Châu Âu gồm 28 quốc gia hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Barack Obama hôm thứ Sáu tuần trước đã thúc giục đôi bên đạt được tiến bộ lớn trong năm nay, nhất là khi dự luật lưỡng đảng cho phép ông quyền thúc tiến thương mại đã được đưa ra tại Quốc hội.
“Trong khuôn khổ của quyền xúc tiến thương mại này, lần đầu tiên, có các yêu cầu về các điều khoản có thể chấp hành về môi trường và lao động. Cũng có sự chú tâm rõ ràng tới các vấn đề như nhân quyền. Và, có thể nói, đây là quyền xúc tiến thương mại tiến bộ nhất và sâu rộng nhất được đưa ra quốc hội”.
Quyền xúc tiến thương mại chỉ cho phép Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối một thỏa thuận thương mại mà không có quyền đưa ra các thay đổi. Tuy nhiên, dự luật này đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các thành viên trong Đảng Dân chủ của ông Obama, trong đó có Thượng nghị sĩ độc lập đại diện tiểu bang Vermont Bernie Sanders. Ông Sanders phát biểu trên kênh truyền hình Fox News hôm qua.
“Trong những năm qua, Hoa Kỳ đã mất hàng triệu công ăn việc làm được trả lương tốt. Những thỏa thuận thương mại như thế này đã làm sút giảm tiền lương ở Mỹ, và vì thế, một công nhân bình thường ở Mỹ phải làm việc nhiều giờ hơn để nhận được đồng lương thấp hơn. Tôi không nghĩ chúng ta cần chuyển thêm công ăn việc làm sang các quốc gia có mức lương thấp. Tôi nghĩ rằng các công ty Mỹ phải bắt đầu đầu tư ngay trong nước, và tạo ra các công ăn việc làm với mức lương tử tế”.
Ông Obama nói rằng việc phản đối thỏa thuận thương mại là đống nghĩa với việc chấp nhận tình trạng hiện thời là các công ty nước ngoài có thể bán hàng trên thị trường Mỹ, nhưng các công ty của Hoa Kỳ lại không thể cạnh tranh một cách hiệu quả ở nước ngoài.
Trong khi đó, hàng nghìn người cuối tuần qua đã xuống đường ở Đức và một số nơi khác để phản đối các cuộc thương thảo về hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương. Họ lên án điều họ coi là sự thiếu minh bạch, sự thiên vị đối với các tập đoàn lớn và làm tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Gary Hufbauer, chuyên viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington, nói rằng sự phản đối này nhiều khả năng sẽ làm đình trệ việc thông qua T-TIP cho tới sau khi ông Obama rời nhiệm sở vào năm 2017.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này tỏ ra lạc quan về khả năng ông Obama sẽ sớm được trao quyền xúc tiến thương mại, bất chấp những phản đối ngay trong chính đảng của ông.
“Tôi nghĩ rằng đã có các lá phiếu ủng hộ. Tôi nghĩ rằng phe chống đối đang ở thế thủ. Đúng là Tổng thống còn phải vận động sự ủng hộ của những đảng viên Dân chủ vẫn còn lưỡng lự. Nhưng quyền lực của tổng thống rất, rất mạnh, xét về mọi điều mà các dân biểu muốn, và tôi nghĩ rằng ông Obama sẽ nhận được 25 phiếu cần thiết từ phe Dân chủ để dự luật được thông qua tại Hạ viện, và nó cũng sẽ được thông qua tại Thượng viện”.
Ông Hufbauer cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng đột phá trong các cuộc thương thảo giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản liên quan tới thỏa thuận thương mại tự do châu Á với 12 quốc gia, gọi tắt là TPP. Chuyên gia này nghĩ rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington tuần tới, sẽ có các nhượng bộ cần thiết về các vấn đề thị trường sữa, thịt lợn và thịt bò của Nhật Bản.
Ông Masamichi Adachi, kinh tế gia cao cấp của công ty JP Mordan ở Tokyo, nói rằng các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc mở cửa các lĩnh vực ô tô và nông sản của Nhật Bản cũng như thị trường phụ tùng ô tô của Mỹ. Nhưng ông nói rằng điều thực sự quan trọng là kết quả của cuộc thảo luận về quyền xúc tiến thương mại ở Washington.
“Nếu quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống Obama quyền này, thì các cuộc đàm phán sẽ dễ dàng hơn nhiều, và đó là một yếu tố chính sẽ dẫn tới tiến bộ trong cuộc đàm phán này”.
Tổng thống Obama cảnh báo nếu Hoa Kỳ không giúp đặt ra các luật lệ để các công nhân và doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh tại các thị trường phát triển nhanh chóng ở châu Á, thì Trung Quốc sẽ lập ra các luật lệ mang lại lợi thế cho các công nhân và doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Hufbauer nói ông dự kiến cuộc bỏ phiếu về quyền xúc tiến thương mại sẽ diễn ra vào tháng Sáu và việc chuẩn thuận TPP nhiều khả năng sẽ diễn ra sau đó trước cuối năm nay. Ông cho rằng hiệp định thương mại tự do với châu Á sẽ dẫn tới việc Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn vào việc lập ra các luật lệ cho thế kỷ 21 liên quan tới các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, đầu tư và thuế quan.
Ông cũng coi TPP là một thỏa thuận cửa ngõ để các nước khác như Nam Triều Tiên, Thái Lan, Indonesia và Philippines tham gia. Ông thậm chí còn nghĩ rằng Trung Quốc có thể tham gia hiệp định này trong vòng từ 5 tới 7 năm nữa.