Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, gọi tắt là G20, đã bàn thảo cách thức tăng quyền biểu quyết trong Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các nền kinh tế mới nổi, trong nỗ lực vượt qua điều mà tổ chức này xem là những chứng ngại của Mỹ trong tiền trình cải cách.
Các nước thành viên IMF hồi năm 2010 đã đồng ý tăng thêm quyền biểu quyết cho các nước như Trung Quốc và Ấn Ðộ, nhưng chính quyền của Tổng thống Obama đã không thuyết phục được các nhà lập pháp Mỹ thông qua những cải cách đó.
Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Jacob Lew nói cộng đồng quốc tế đã nghe rõ ràng rằng Hoa Kỳ tiếp tục cam kết duy trì vị trí dẫn đầu, nhưng Quốc hội phải hành động để giữ cam kết đó.
Chủ tịch ngân hàng trung ương Mexico và chủ chủ tịch Ủy ban Tài chánh và Tiền tệ Quốc tế Agustin Carstens phát biểu về nhu cầu phải cải cách tại hội nghị mùa xuân của IMF tại Washington:
"Trong khi chúng tôi, là những thành viên của cả Ủy ban Tài chánh và Tiền tệ Quốc tế, (IMFC) lẫn của nhóm G20, đã nêu lên thất vọng vì những cải cách 2010 không được thực hiện đầy đủ, các thành viên tái khẳng định cam kết vững chắc sẽ thực hiện đầy đủ phân bổ 2010 và các cải cách chính phủ, và chúng tôi ủng hộ nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm thực hiện cam kết đó."
Các bộ trưởng của G20 nói họ vẫn "hết sức thất vọng" kế hoạch cải cách 2010 chưa được thông qua, và họ hối thúc Hoa Kỳ thông qua kế hoạch đó càng sớm càng tốt."
Hoa Kỳ có thể ngăn chặn các cải cách của IMF, vì nước này nắm giữ một quyền biểu quyết chi phối trong tổ chức.