Mỹ, Canada và Phần Lan sẽ thành lập một tập đoàn để đóng tàu phá băng, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ cho biết. Đây được xem là một động thái nhằm củng cố hoạt động đóng tàu của các đồng minh và đối trọng với sự hợp tác của Nga và Trung Quốc ở các vùng địa cực ngày càng trở nên chiến lược.
Sáng kiến, được gọi là Nỗ lực Hợp tác Tàu phá băng hay gọi tắt là hiệp ước ICE, được công bố hôm 11/7 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài ba ngày ở Washington, nơi liên minh này đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hỗ trợ cho cuộc chiến của Moscow xâm lăng Ukraine.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên rằng hiệp ước này nhằm mục đích tạo ra một đội tàu phá băng để “mở rộng sức mạnh” vào các vùng địa cực và thực thi các quy tắc và hiệp ước quốc tế. Quan chức này gọi đây là “mệnh lệnh chiến lược”.
Vẫn theo quan chức này, thỏa thuận mà ba thành viên NATO dự định ký kết vào cuối năm nay sẽ tập hợp nhu cầu từ các đồng minh để mở rộng năng lực đóng tàu, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận này được lập ra để gửi một thông điệp tới Nga và Trung Quốc.
“Nếu không có sự sắp xếp này, chúng ta sẽ có nguy cơ khiến đối thủ của mình phát triển lợi thế về công nghệ chuyên biệt có tầm quan trọng địa chiến lược to lớn, vốn cũng có thể cho phép họ trở thành nhà cung cấp được ưa chuộng đối với các quốc gia cũng quan tâm đến việc mua tàu phá băng ở vùng địa cực,” quan chức này cho biết.
Các nhà lập pháp và chuyên gia của Mỹ đã than thở về sự suy giảm năng lực đóng tàu của Hoa Kỳ trong những năm gần đây, đặc biệt vì Trung Quốc đang sản xuất tàu hải quân ở mức chưa từng có.
Việc đóng tàu của Hải quân Mỹ đã chậm tiến độ nhiều năm qua.
Quan chức này không đưa ra mốc thời gian cho các tàu phá băng mới cũng như không cho biết Mỹ muốn sản xuất bao nhiêu tàu theo hiệp ước này, nhưng lưu ý rằng Mỹ hiện chỉ có hai tàu phá băng, mà cả hai đều sắp hết tuổi thọ.
“Chúng tôi dự định tăng quy mô lên gấp bội số lượng hiện tại ngay khi có thể,” quan chức này nói.
Các chính phủ sẽ cùng nhau xác định các nhà máy đóng tàu ở ba quốc gia có thể đáp ứng nhu cầu từ các đối tác và đồng minh.
“Hiện tại, quy mô còn quá nhỏ và mất quá nhiều thời gian và chúng tôi không tạo ra được sản lượng mà chúng tôi cần,” quan chức này nói và cho biết thêm rằng các đồng minh của Mỹ muốn có 70 đến 90 tàu phá băng trong thập kỷ tới.
Động thái này diễn ra khi Trung Quốc đang tìm cách phát triển các tuyến vận chuyển mới ở Bắc Cực và mở rộng nghiên cứu ở Nam Cực. Các chính phủ phương Tây lo ngại quân đội Trung Quốc có thể đạt được khả năng hoạt động và giám sát tốt hơn từ các hoạt động ở vùng địa cực.
Khi biến đổi khí hậu làm thu hẹp các khối băng ở vùng địa cực, biển Bắc Cực ngày càng được sử dụng làm tuyến đường thương mại nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương với các nền kinh tế lớn.
Trung Quốc và Nga đã hợp tác với nhau để phát triển các tuyến vận chuyển Bắc Cực khi Nga tìm cách cung cấp thêm dầu và khí đốt cho Trung Quốc trong lúc Moscow đang phải chịu các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của phương Tây.
Nga có hơn 40 tàu phá băng và đang sản xuất số lượng nhiều hơn nữa các tàu này, còn Trung Quốc đang vận hành đội tàu nhỏ hơn của riêng họ nhưng đang phát triển thêm. Hai nước đã ký kết quan hệ đối tác "không giới hạn" vài ngày trước cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga.
Canada và Phần Lan cộng lại có vài chục tàu phá băng.
Diễn đàn