17 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi các các lãnh đạo công ty Facebook và Google chống lại những thay đổi được quy định tại Luật an ninh mạng của Việt Nam, mà các nhà phê bình cho rằng luật này đã trao cho nhà nước nhiều quyền lực hơn để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến, theo hãng tin Reuters.
Luật an ninh mang đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng trước và có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2019, quy định rằng Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu khác phải lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam và mở văn phòng ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Hãng tin Reuters đã nhìn thấy bức thư do các dân biểu Mỹ thuộc Nhóm Vietnam Caucus soạn thảo, trong đó có đoạn: “Nếu chính phủ Việt Nam buộc các công ty của quý vị phải hỗ trợ và kiểm duyệt thông tin, thì đây là vấn đề cần được nêu thông qua kênh ngoại giao và ở cấp cao nhất.”
Bức thư đề ngày 12/7 với 17 chữ ký của các nghị sĩ Mỹ viết tiếp: “Chúng tôi kêu gọi quý vị tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình bằng cách thúc đẩy sự thông thoáng và sự liên kết.”
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên của Việt Tân nói với VOA rằng Việt Tân cùng với Tổ chức Phóng viên không biên giới đã vận động các nhà làm luật Hoa Kỳ phản đối Luật an ninh mạng của Việt Nam vì luật này hạn chế các quyền tự do ngôn luận, và gây cản trở cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Hiện tại chúng tôi đang có một cuộc vận động tại Quốc hội Hoa Kỳ cùng với tổ chức Phóng viên Không Biên giới để kêu gọi các dân biểu, các thượng nghị sĩ yêu cầu Facebook, Google không hợp tác với Việt Nam: không đặt máy chủ, không gỡ bài, không cung cấp dữ liệu người dùng, và cuối cùng là minh bạch, công khai tiến trình làm việc với nhà nước Việt Nam.”
Hiện tại chúng tôi đang có một cuộc vận động tại Quốc hội Hoa Kỳ cùng với tổ chức Phóng viên Không Biên giới để kêu gọi các dân biểu, các thượng nghị sĩ yêu cầu Facebook, Google không hợp tác với Việt Nam: không đặt máy chủ, không gỡ bài, không cung cấp dữ liệu người dùng, và cuối cùng là minh bạch, công khai tiến trình làm việc với nhà nước Việt Nam.Hoàng Tứ Duy, Phát ngôn viên của Việt Tân
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật an ninh mạng, vào ngày 15/6, RSF kêu gọi Việt Nam thu hồi luật này cho rằng luật mới này là bản sao từ luật an ninh mạng có hiệu lực tại Trung Quốc từ tháng 6/ 2017.
RSF nói điều 8 và điều 15 của Luật an ninh mạng đã hình sự hóa việc “phủ nhận những thành tựu của cách mạng,” “xúc phạm anh hùng quốc gia” và “cung cấp tin tức sai lạc gây xáo trộn trong dân chúng”. Đây là những điều khoản mơ hồ có thể áp dụng đối với bất cứ ai đưa tin lên mạng làm nhà cầm quyền không hài lòng, theo một thông cáo của RSF.
Các công ty công nghệ toàn cầu đã phản đối các điều khoản của luật về yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương, nhưng họ chưa đưa ra một quan điểm cứng rắn về các phần của Luật an ninh mạng nhằm gia tăng đàn áp các hoạt động chính trị trên mạng.
Hãng tin Reuters trích lời ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet châu Á (AIC) cho biết Luật an ninh mạng đã tạo ra “sự không chắc chắn” cho uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư từ nước ngoài.
Trong một tuyên bố ông Paine nói: “Về lâu về dài, Việt Nam nên cần một cách tiếp cận tiến bộ hơn và các quy định thông minh hơn về công nghệ internet và các dịch vụ kỹ thuật số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người dân.”
Bộ ngoại giao của Việt Nam chưa phản hồi hãng tin Reuters về bức thư của các nhà làm luật Hoa Kỳ.
Hôm 12/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố bày tỏ sự thất vọng về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh Mạng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: "Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, qua đó càng thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác.”
Bất chấp chỉ trích từ người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về những hạn chế của Luật An ninh mạng, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cho rằng bộ luật này là cần thiết “trong bối cảnh hiện nay.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm 14/6 rằng “an ninh mạng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”