Đối với một số người, ông Hosni Mubarak có công trong việc giữ cho Ai Cập được ổn định trong gần 30 năm ông cầm quyền, nhưng nhiều người nói rằng, sự ổn định đó phải trả bằng một giá đắt.
Viên cựu tướng không quân 82 tuổi này lên nắm quyền Tổng Thống năm 1981 sau khi các phần tử tranh đấu ám sát người tiền nhiệm của ông, Tổng Thống Anwar Sadat.
Ông Mubarak là Phó Tổng Thống của ông Sadat và ở bên cạnh ông Sadat khi ông bị bắn chết trong một cuộc diễn binh ở Cairo . Chính ông Mubarak cũng sống sót sau ít nhất sáu vụ mưu sát.
Dưới sự cai trị của ông, Ai Cập đã duy trì hòa bình với Israel và quan hệ mật thiết với phương Tây. Chính phủ của ông Mubarak là một đồng minh then chốt của Hoa Kỳ trong nỗ lực tạo hòa bình giữa Israel và Palestine . Ông Mubarak cũng được Phương Tây ủng hộ vì đã trấn áp đường lối Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, ở trong nước, các chính sách của Tổng thống Mubarak đã làm nhiều người tức giận. Ông đã cai trị nước này bằng đạo luật về tình trạng khẩn cấp rất mất lòng dân, trong đó hạn chế những quyền tự do căn bản và đã cho cảnh sát nhiều quyền để bắt bớ dân chúng.
Các thành viên của Tổ Chức Huynh Đệ Hồi Giáo, tổ chức đối lập hàng đầu ở Ai Cập, đã phải đối diện thường xuyên trước các vụ bắt bớ và các án tù dài hạn.
Năm 2005, ông Mubarak thực hiện bước đầu tiến tới dân chủ bằng cách tổ chức cuộc bầu cử Tổng Thống đầu tiên có nhiều ứng cử viên, nhưng sau đó ông đã bỏ tù ông Ayman Nour, ứng cử viên đối lập chính, về tội tham nhũng.
Trong cuộc bầu cử quốc hội mới đây Đảng Dân Chủ Quốc Gia của Tổng Thống đã đè bẹp phe đối lập giữa lúc có nhiều tố cáo về đe dọa và gian lận bầu cử.
Về phương diện kinh tế, mặc dầu những cải tổ của ông Mubarak đã dẫn tới sự nở rộ của nền kinh tế Ai Cập, nhưng các cải cách này bị chỉ trích là đã làm gia tăng hố cách biệt giầu nghèo. Sự tức giận của công chúng đã gia tăng vì tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng nghèo khó.
Việc ông Mubarak tìm cách chuẩn bị cho con trai ông làm người kế vị đã làm tăng thêm tình trạng bất mãn của nhân dân Ai Cập.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1