Đường dẫn truy cập

Mua bán doanh nghiệp vì sao gọi là 'thôn tính'? (phần 2)


“Thôn tính”, theo cách hiểu thông thường, là tìm cách cưỡng đoạt của người khác ngoài mong muốn của họ (thí dụ thôn tính một quốc gia, một vùng lãnh thổ). Thôn tính doanh nghiệp, vì thế được hiểu nôm na là dùng các biện pháp khác nhau để chiếm đoạt doanh nghiệp của người khác. Giống như bà Đặng Thị Hoàng Yến khi còn là đại biểu Quốc hội có phát biểu là “tôi đã mạnh dạn đưa ra cảnh báo loại tội phạm mới lợi dụng chính sách để thôn tính doanh nghiệp, ngân hàng. Thực tế hiện nay đã, đang diễn ra và hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang thật sự cam go”.

Thực tế thì mua bán doanh nghiệp là một dạng quan hệ giao dịch dân sự. Nó đòi hỏi người mua phải đồng ý mua, và người bán phải đồng ý bán, một công ty (hay một phần sở hữu của một công ty) với một mức giá cả và một số các điều kiện, điều khoản nhất định. Hợp đồng dân sự này được lập trên cơ sở tự nguyện.

Và như vậy thì tại sao lại có chuyện người đi mua doanh nghiệp phải khoác trên mình bản án mang tên “thôn tính”? Lý do giải thích cho hiện tượng tâm lý này có nhiều tầng khác nhau.

Trong tận cùng cách suy nghĩ của người Việt Nam, câu chuyện doanh nghiệp vẫn bị đánh đồng với câu chuyện sự nghiệp. Khi xây dựng một doanh nghiệp, người lãnh đạo doanh nghiệp luôn coi đó là sự nghiệp cả đời của mình. Mặc dù không cực đoan như vậy nhưng câu chuyện sự nghiệp cũng giống như câu chuyện của các dòng họ giữ gìn các bí mật kinh doanh từ đời này sang đời khác và lòng kiêu hãnh gia tộc không bao giờ cho phép họ bán đi các bí mật này. Nếu kẻ khác có được, đó phải là kẻ cướp.

Tâm lý này không có gì sai, nhưng khi các hình thái doanh nghiệp phát triển từ quy mô gia đình sang các hình thái doanh nghiệp cổ phần hiện đại, nó trở thành yếu tố nguy hiểm. Với hình thái doanh nghiệp cổ phần, tất cả các cổ đông đều là “chủ” của doanh nghiệp cổ phần. Những người sáng lập ban đầu (gồm các chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc đại diện của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa), vì mục tiêu thu hút vốn để phát triển trong một số giai đoạn nên đã bán ra cho các cổ đông bên ngoài.

Trên lý thuyết, các cổ đông này có quyền về mặt sở hữu không khác gì những người sáng lập ban đầu, và quyền của họ chỉ phụ thuộc vào số cổ phần mà họ sở hữu. Thế nhưng trên thực tế không hiếm trường hợp dựa vào cơ cấu cổ đông bị xé lẻ, những người sáng lập ban đầu nhiều khi chỉ còn nắm một vài chục phần trăm, thậm chí ít hơn, sở hữu trong doanh nghiệp mà họ lãnh đạo, nhưng lại có toàn quyền làm mưa làm gió, trục lợi cá nhân từ doanh nghiệp mà họ lãnh đạo (nhưng không sở hữu nhiều). Về mặt tâm lý, một số trong các chủ doanh nghiệp này vẫn cho rằng doanh nghiệp đó là của họ, do họ gây dựng lên, là sự nghiệp cá nhân của họ, và người khác không có quyền xen vào.

Bỏ ra ngoài các cổ đông nhỏ lẻ “thấp cổ bé họng” vốn từ trước tới nay không có tiếng nói gì, không hiếm trường hợp ngay cả các cổ đông tổ chức lớn cũng bị lãnh đạo các doanh nghiệp cổ phần coi là con ghẻ. Một số trường hợp khác, các cổ đông tổ chức lại thường cử những cá nhân non trẻ hoặc dễ bị dụ làm đại diện phần vốn, thí dụ làm thành viên hội đồng quản trị, và các cá nhân này hoặc là dễ bị lấn át, hoặc là dễ bị mua, hoặc cả hai. Kết hợp lại, nó củng cố tư thế của một số lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần là “doanh nghiệp không phải của tôi nhưng lại là của tôi”. Một thuật ngữ hay được dùng để mô tả các cá nhân này, tương đối tiêu cực, nhưng đúng bản chất, là “chủ giả”.

Từ tâm lý này, dễ dẫn tới chuyện trong trường hợp các cổ đông tổ chức hoặc cổ đông nhỏ lẻ chuyển nhượng sở hữu cho một nhà đầu tư hoặc một nhóm nhà đầu tư có lập trường và tiếng nói riêng, và nhóm này đại diện được cho đa số sở hữu trong công ty, thì vị thế của các chủ giả bị lung lay. Khi đó, tấm màn sở hữu được vén lên, tư thế “doanh nghiệp không phải của tôi nhưng lại là của tôi” được thay thế bằng “doanh nghiệp không phải là của tôi và tôi chỉ là người làm thuê cho các cổ đông”, và điều này là khó chấp nhận, nhưng buộc phải chấp nhận, đối với các chủ giả. Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư mới sẽ thay thế các chủ giả này bằng những người mà họ cho là thích hợp hơn.

Và đó là nguồn cơn khiến cho khái niệm “thôn tính” ra đời. Đối với các chủ giả, doanh nghiệp “của họ” đã bị cưỡng đoạt ngoài ý muốn của họ. Họ không còn là chủ nữa, thậm chí bị thải loại bởi các nhà đầu tư mới. Và như vậy, những nhà đầu tư mới không phải ai khác mà là những kẻ đi “thôn tính”, chiếm đoạt ngoài ý muốn doanh nghiệp của các chủ giả.

Đó là chưa kể một số trường hợp chính những người sáng lập ban đầu bán cổ phần của họ cho các nhà đầu tư nhưng vẫn gọi những người mua là đi “thôn tính”. Lý do là họ buộc phải bán để có tiền thực hiện các nghĩa vụ khác, thí dụ trả các khoản nợ, hoặc cứu các doanh nghiệp khác mà họ đầu tư, hoặc do các sức ép chính sách, thí dụ như từ Ngân hàng Nhà nước về việc tái cơ cấu ngân hàng tư nhân, hoặc sức ép từ phía chủ nợ như các ngân hàng thương mại đã cho doanh nghiệp của họ vay, hoặc từ phía các nhà cung cấp như nông dân bán cá…Họ phải bán nhưng trong thâm tâm lại cho rằng mình bị ép bán doanh nghiệp mà mình xây dựng bằng tâm huyết cả đời với giá rẻ mạt. Tâm lý sai nhưng không nhận là mình sai, thay vào đó, đổ cho chính sách, cho thị trường, cho ngân hàng thương mại… khiến một số chủ doanh nghiệp cho rằng mình bị “thôn tính” một cách oan ức.

Cuối cùng, một phần không nhỏ của việc gắn tội “thôn tính” cho các nhà đầu tư đi mua doanh nghiệp là thành quả của giới báo chí và truyền thông. Để thu hút sự tò mò của độc giả, nhiều phóng viên đã cố tình mô tả những hoạt động bình thường này như là những kế hoạch mờ ám của các “nhóm người”, “nhóm lợi ích” khác nhau nhằm chiếm đoạt doanh nghiệp của người khác.

Tội đồ hay công thần?

Các nhà đầu tư mua lại doanh nghiệp của người khác là tội đồ hay công thần thì còn tùy thuộc vào cách nhìn của từng cá nhân. Về tổng thể, họ tạo cơ hội cho các cổ đông tổ chức và cổ đông nhỏ lẻ có cơ hội được exit (thoát bằng cách bán hết cổ phần) ở các doanh nghiệp mục tiêu. Họ cũng tạo sức ép lớn cho các chủ giả phải tận tâm phát triển doanh nghiệp và thực sự đại diện cho lợi ích của các cổ đông, nếu không sẽ dễ bị rơi vào tình trạng các cổ đông này bán cho các nhà đầu tư M&As.
Đối với các doanh nghiệp được mua lại, các nhà đầu tư M&As cũng thường tìm cách làm cho chúng hiệu quả hơn. Việc nâng cao hiệu quả này có thể thành công hoặc không nhưng ít ra đó cũng là mong muốn của các nhà đầu tư này từ ban đầu khi quyết định thực hiện thương vụ.

Về lâu dài, hoạt động M&As sẽ ngày càng phổ biến, và có lẽ khái niệm “thôn tính doanh nghiệp” cũng dần dần biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, nó vẫn là một khái niệm phổ biến, và giúp tạo ra một rào cản tâm lý tai hại cho một hoạt động hết sức bình thường của kinh tế thị trường.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG