Đường dẫn truy cập

Một số phản ứng trước việc Lào xúc tiến xây đập Xayaburi


Việt Nam kêu gọi hoãn lại 10 năm tất cả mọi dự án trên sông Mekong.
Việt Nam kêu gọi hoãn lại 10 năm tất cả mọi dự án trên sông Mekong.
Lễ động thổ đã được tổ chức cho việc xây dựng con đập thủy điện trên sông Mekong trị giá 3,5 tỉ đô la. Những tổ chức bảo vệ môi trường tại các nước láng giềng và Hoa Kỳ lên tiếng lo ngại về ảnh hưởng của dự án này đối với hàng triệu người ở Đông Nam Á.

Việc xây dựng con đập Xayaburi sẽ được tiến hành bất chấp những chỉ trích liên quan tới ảnh hưởng của nó đối với hệ thống sông Mekong tại vùng hạ lưu, đặc biệt là tại Campuchia và Việt Nam.

Lên tiếng trong lễ động thổ hôm thứ Tư, Phó Thủ tướng Lào Sarnsawad Lengsawat cho biết Lào đã xét tới quan điểm của các nước khác và quyết định tiến hành dự án này, dự trù hoàn tất vào năm 2019.

Đập này sẽ là một trong số tới 10 dự án như vậy ở khu vực hạ lưu sông Mekong chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia, vùng đồng bằng Việt Nam và ra tới Biển Đông.

Các tổ chức bảo vệ môi trường e ngại ảnh hưởng lâu dài của con đập vì nó ngăn tuyến đường di thực của cá, có tiềm năng gây phương hại tới kế sinh nhai của khoảng 60 triệu người.

Lợi ích chính sẽ là sản xuất điện, giúp các cộng đồng nghèo khó của Lào, giúp phát triển và tăng trưởng kinh tế trong vùng
Nhưng một kỹ sư làm việc với South East Asia Energy Limited, công ty xây dựng con đập, ông Somkuan Watakeekul, nói rằng nó sẽ đem lại lợi ích cho vùng này:

“Dù sử dụng nước để uống hay trong các lãnh vực khác như nông nghiệp, ngư nghiệp, hay vận chuyển, tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi ích của dự án này. Lợi ích chính sẽ là sản xuất điện, giúp các cộng đồng nghèo khó của Lào, giúp phát triển và tăng trưởng kinh tế trong vùng.”

Lễ động thổ diễn ra cho dù Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong trước đó có nói rằng dự án này sẽ đợi để được nghiên cứu thêm.

Một giới chức thuộc Ủy ban Sông Mekong, cơ quan giám sát các dự án hợp tác tại con sông này giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, nói với đài VOA rằng ủy ban kể đang trông đợi giải thích của phái đoàn Lào xem lễ động thổ này có phải là quyết định cuối cùng của Lào để xúc tiến dự án này hay không.

Hồi năm 2011, chính phủ Lào đã thoả thuận ngưng dự án vừa kể cho tới khi thực hiện xong các cuộc thẩm định thêm về môi trường.

Trong tuần này, Hoa Kỳ đã lưu ý Lào về việc tiến hành dự án vừa kể, và nói rằng quy mô và tính chất nghiêm trọng trong ảnh hưởng của nó đối với hệ sinh thái, đối với vấn đề an ninh lương thực, và kế sinh nhai trong vùng vẫn còn chưa biết rõ.

Một nhà hoạt động thuộc tổ chức bảo vệ môi trường có tên là Các Dòng Sông Quốc tế, ông Thongsing Thammavong, nói rằng buổi lễ này cho thấy những e ngại liên quan tới vấn đề trong sáng chung quanh dự án này:

“Điều gây ra tình trạng khó hiểu này đã được phản ánh rất rõ, toàn bộ câu chuyện về đập Xayaburi, là vấn đề thiếu trong sáng. Chúng ta không biết điều gì xảy ra, chúng ta không được biết thông tin nào, và chỉ có công ty xây đập, một công ty Thái Lan, cùng với một số ít giới chức cao cấp của Lào nắm quyền quyết định và thông tin là biết chuyện.”

Theo một thoả thuận chung giữa Thái Lan và Lào, 95 phần trăm sản lượng điện do nhà máy này cung cấp sẽ được bán cho Thái Lan. Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nói chính phủ ông ủng hộ việc xúc tiến dự án.

Nhưng cả Campuchia lẫn Việt Nam bày tỏ dè dặt. Việt Nam kêu gọi hoãn lại 10 năm tất cả mọi dự án trên sông Mekong.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG