Đường dẫn truy cập

Một năm cuộc chiến của Nga: Người Việt, dù ở lại hay tị nạn, đều mong chờ ngày Ukraine chiến thắng


Ông Phạm Văn Bằng, bên xác một chiếc xe tăng của Nga ở Ukraine, quyết định ở lại thủ đô Kiev cùng với hàng chục người Việt khác kể từ khi Nga tiến hành xâm lược nơi ông gọi là quê hương 1 năm qua.
Ông Phạm Văn Bằng, bên xác một chiếc xe tăng của Nga ở Ukraine, quyết định ở lại thủ đô Kiev cùng với hàng chục người Việt khác kể từ khi Nga tiến hành xâm lược nơi ông gọi là quê hương 1 năm qua.

Kể từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, hàng nghìn người Việt sinh sống ở đất nước này đã phải rời bỏ nơi mà họ coi là quê hương thứ 2 của mình để đi lánh nạn. Họ ra đi, dù không muốn, nhưng vì sự an toàn của gia đình và bản thân trước những cuộc nã pháo và tấn công bằng tên lửa của Nga hầu như hàng ngày vào cả các khu dân cư, nơi nhiều người Việt sinh sống.

Trước khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, có khoảng 7.000 người Việt sinh sống và làm ăn ở đây, nơi họ xem là quê hương vì sự tự do và thanh bình.

Sau một năm Nga xâm lược lãnh thổ Ukraine, chỉ còn khoảng 600 người Việt ở lại đây trong khi hàng nghìn người đã sang các nước khác lánh nạn. Có khoảng 5.000 người của cộng đồng Việt ở đây đã đến châu Âu, Mỹ và Canada sau khi Nga gây ra cuộc chiến, trong khi khoảng 1.000 người chọn về Việt Nam.

Dù ở lại hay ra đi, những người Việt mà VOA có dịp tiếp xúc, nói rằng họ mong đến ngày Ukraine giành chiến thắng để có lại cuộc sống yên bình như trước và gọi hành động xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin là một “sai lầm” đáng bị lên án.

Đi tị nạn

Ông Vũ Đình Thiệp là một trong hàng nghìn người Việt phải rời bỏ Ukraine đi lánh nạn khi cuộc chiến do Putin phát động trở nên tàn khốc hơn.

Ông Thiệp cùng vợ và 4 người con di tản sang Đức vào tháng 7/2022 sau khi đã trụ lại ở Kharkov được 5 tháng. Ông nói gia đình ông không muốn rời bỏ Ukraine nhưng khi các cuộc pháo kích của Nga đánh vào tới sát nhà ông thì ông không còn lựa chọn nào khác vì an toàn cho gia đình.

“Nhà tôi bị tên lửa bắn vào bên cạnh, ngay hàng xóm, mà tôi có con nhỏ không thể ở lại được nên cuối cùng tôi phải quyết định đi di tản,” ông Thiệp, người đã sống ở Ukraine hơn 40 năm, nói và cho biết đứa con nhỏ nhất của ông mới 5 tuổi.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, ông Thiệp cùng gia đình sống trong một ngôi nhà mà ông nói là một biệt thự ở khu ngoại ô Kharkov yên bình với một nguồn thu nhập ổn định từ việc buôn bán của gia đình. Việc phải rời bỏ nơi đó là một quyết định khó khăn đối với gia đình ông.

Từ những người bạn đã đi trước đến Đức cung cấp thông tin, ông Thiệp cùng gia đình lái xe đến một trại tị nạn giành cho người Ukraine của Đức.

“Đến đấy thì họ tiếp nhận, làm giấy tờ cho ngay, cho chỗ ăn chỗ ở ngay lập tức và một thời gian sau thì họ phân nhà,” ông Thiệp nói và cho biết gia đình ông được phân một ngôi nhà rộng 100m vuông. “Tiền trợ cấp cho những người tị nạn Ukraine thì họ cho ngoài tiền nhà ở còn cấp cho mỗi người khoảng 400 euro/tháng.”

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Đức là quốc gia không giáp biên giới với Ukraine có số đơn xin tị nạn nhiều nhất, với gần 800.000 người chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Sau hơn 7 tháng sống ở Đức, ông Thiệp và gia đình đã ổn định cuộc sống khi các con ông được đến trường trong khi ông tham gia lớp học tiếng Đức. Ông hài lòng với những gì mà chính phủ Đức cấp cho những người tị nạn chiến tranh Ukraine như ông, từ nơi ăn ở cho đến bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, ông vẫn mong ngày trở về Ukraine.

“Về vật chất thì tôi không có phàn nàn gì vì nước Đức chu cấp cho rất là OK nhưng vấn đề tinh thần thì mình chỉ xác định sang đây ở tạm thời thôi và mong cho chiến tranh kết thúc thắng lợi để về,” ông Thiệp nói. “Lúc nào tôi cũng ngong ngóng để về Ukraine thôi.”

Ông Thiệp đến Ukraine khi còn là một sinh viên từ Việt Nam được gửi sang Liên bang Xô Viết để học về kinh tế Mac-Lenin. Khi Liên Xô sụp đổ, ông Thiệp quyết định ở lại dạy học và sau đó chuyển sang buôn bán. Ông coi Ukraine là quê hương của mình và mong đến ngày cùng gia đình quay trở lại ngôi nhà mà hiện ông đang thuê người trông nom ở ngoại ô Kharkov.

Phải ở lại

Ông Phạm Văn Bằng là một trong số ít những người Việt Nam đã ở lại Ukraine trong một năm qua dù phải sống với những tiếng còi báo động tránh bom và pháo kích hàng ngày của Nga.

“Tôi có công ty ở đây, nhân viên ở đây, sự nghiệp ở đây,” ông Bằng, người đã gắn bó với đất nước Ukraine gần 30 năm qua, nói và cho biết rằng ông nằm trong số khoảng 50-60 người Việt còn ở lại thủ đô Kiev.

Những người cùng “bám trụ” như ông là những người không thể đi được với nhiều lý do như có con trong độ tuổi đi lính hay có nhà cửa và công việc không thể bỏ lại được.

Ông Bằng cho biết dù những người con của ông hiện đang định cư ở Mỹ và Úc nhưng ông và vợ vẫn ở lại Ukraine để duy trì nhà máy sản xuất bao bì thực phẩm với 200 nhân viên.

Sống trong một đất nước Ukraine yên bình kể từ khi ông tới lập nghiệp ở đây vào năm 1994, ông Bằng cho biết ông và vợ rất sốc khi thấy Nga xâm lược Ukraine. Hai vợ chồng ông đã phải ngủ trong garage ô tô nhiều ngày sau khi Nga bắt đầu đánh chiếm Ukraine cách đây 1 năm. Sau đó ông cùng vợ sơ tán sang Đức trước khi về Việt Nam hai tháng nhưng sau đó quay trở lại Ukraine vì “không bỏ được sự nghiệp và công việc ở đây.”

Chiến sự của Nga ở Ukraine đã gây thiệt hại cho cộng đồng người Việt trong một năm qua, theo ông Bằng, cũng là chủ tịch cộng đồng người Việt ở Kiev.

“Trong một năm khi chiến tranh xảy ra, không phận bị đóng cửa, hải cảng bị phong tỏa nên hàng hóa nhập về phải đi qua châu Âu thì giá thành rất cao, mất nhiều thời gian nên gặp khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khi điện nước chập chờn vì (Nga) đánh vào cơ sở hạ tầng,” ông Bằng nói.

Ông Bằng cho biết những tháng ngày Nga không kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là thời gian công việc của nhà máy bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đây là lần thứ hai trong cuộc đời mình, ông Bằng chứng kiến chiến tranh xảy ra tại đất nước mà ông gọi là quê hương.

Ông Bằng đã từng thấy tên lửa và bom đạn trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam khi ông còn là một đứa trẻ và ông không nghĩ sẽ lại sống trong cảnh chiến tranh ở một đất nước mà ông thấy là rất thanh bình ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo ông, giờ đây, dù vẫn nghe tiếng còi báo động hàng ngày vì chiến sự, ông và nhiều người Việt cũng như những người dân sống ở Kiev đã quen với điều đó.

“Thời gian đầu cả dân Ukraine và dân (Việt) xuống hầm trú ẩn hoặc ra đường khi đang ở trong cửa hàng nhưng bây giờ dân đã quen với cuộc sống có chiến tranh, có báo động,” ông Bằng nói và cho biết rằng họ không có lựa chọn nào khác là tiếp tục “sản xuất và lao động để tồn tại” dù chiến tranh đang tiếp diễn.

‘Ukraine sẽ chiến thắng’

Dù đều là những người từng học tập trong thời kỳ Liên Xô cũ, cả ông Thiệp và ông Bằng đều bày tỏ sự phẫn nộ với nhà lãnh đạo Nga, Putin, vì đã gây ra cuộc chiến tranh và làm đảo lộn cuộc sống ở nơi mà họ giờ đây coi là quê hương.

“Cái họa từ Nga mang sang làm chúng tôi rất bất hạnh: nhà cửa, công việc, hàng hóa, chợ cháy hết, cuộc sống đảo lộn, tiền nong mất hết,” ông Thiệp nói. “(Chúng tôi) ở trong tình trạng tương lai không biết thế nào nữa. Ở đây hay về? Đối với chúng tôi một năm đó về mặt tinh thần là quá khổ.”

Còn ông Bằng, dù từng học ở Moscow và có thời gian tuổi trẻ sống ở Nga, thì cho rằng tiến hành cuộc chiến tranh ở Ukraine là “sai lầm lớn nhất của ông Putin” và làm mất đi hình ảnh của nước Nga.

Mặc dù nói rằng không biết cuộc chiến tranh sẽ đi đến đâu, nhưng ông Bằng hy vọng Ukraine sẽ chiến thắng bởi sự chính nghĩa.

“Ukraine sẽ chiến thắng bởi vì Ukraine đang đứng lên để bảo vệ đất nước của mình còn quân xâm lược, tôi nghĩ rằng theo tất cả lịch sử xâm lược trên thế giới, thì trước sau gì cũng thua,” ông Bằng nói.

Còn ông Thiệp cũng có ước mong thấy Ukraine chiến thắng để gia đình ông được trở về ngôi nhà của mình.

“Ước mong duy nhất là quân đội (Ukraine) chiến thắng khi đấy có hòa bình vĩnh viễn để về (được) nhà mình, làm công việc của mình, con mình lại được đi học trường cũ với cô giáo cũ và cuộc sống lại tiếp diễn như ngày xưa. Chúng tôi mong điều đó nhất,” ông Thiệp nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG