Đường dẫn truy cập

Miến Điện: Bạo động tôn giáo bùng phát


Một người đàn ông theo Phật giáo trong bang Rakhine bị thương đang được chữa trị tại một bệnh viện ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine
Một người đàn ông theo Phật giáo trong bang Rakhine bị thương đang được chữa trị tại một bệnh viện ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine
Số tử vong trong vụ bạo động tôn giáo ở tiểu bang Rakhin của Miến Điện đã tăng tới 112 người trong lúc có hơn 70 người bị thương, kể cả trẻ em. Giới hữu trách đang chật vật tìm cách vãn hồi trật tự.

Vụ bạo động bùng ra trong tuần này giữa người theo đạo Phật và người Hồi giáo Ronhinga ở tiểu bang Rakhine là vụ bạo động tệ hại nhất trong năm nay ở Miến Điện.

Bạo động bùng ra hôm chủ nhật và nhanh chóng lan tới nhiều quận, kể cả quận Kyaukphyu, là nơi khởi đầu của một đường ống dẫn dầu từ Miến Điện sang Trung Quốc. Hơn 2,000 ngôi nhà đã bị những kẽ gây rối đốt cháy.

Hàng trăm người Rohinga đã xuống thuyền bỏ chạy để tránh vụ bạo động tệ hại nhất kể từ khi những vụ đụng độ hồi tháng 6 làm 90 người chết và hàng vạn người thất tán.

Ông Win Myaing, một giới chức sở thông tin tiểu bang Rakhine, nói với ban Miến ngữ đài VOA như sau:

Ông Myaing nói rằng từ chủ nhật tới nay số tử vong ở 6 thị trấn là 51 người đàn ông và 61 phụ nữ. Ông cho biết còn có 68 người đàn ông và 4 phụ nữ bị thương, kể cả 10 em bé. Ông nói rằng cả hai phía đều có người chết hoặc bị thương.

Tin tức ở khu vực hẻo lánh này không được nhanh nhạy trong lúc có tin đồn cho rằng số người chết có thể lên tới hàng trăm.

Tổng thống Miến Điện Thein Sein phổ biến một thông cáo trên tờ Aùnh sáng Mới của Miến Điện do nhà nước điều hành.

Ông nói rằng sự tái diễn của những vụ gây rối gây rủi ro cho sự toàn vẹn quốc gia trong lúc nước này tiến hành kế hoạch cải cách dân chủ. Ông cũng hứa áp dụng những biện pháp hữu hiệu để củng cố thể chế pháp trị và duy hòa bình trong các cộng đồng.

Mặc dù vậy, ông cũng qui lỗi cho những cá nhân và tổ chức không nêu tên về việc gọi là “thao túng sau hậu trường.” Thông cáo này không cho biết chi tiết nhưng nói rằng giới hữu trách sẽ tìm ra thủ phạm và đưa họ ra trước tòa án.

Ông Matthew Smith, một nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết như sau.

"Tôi nghĩ rằng vụ bạo động bắt đầu trở lại hôm chủ nhật đang lan rộng và giới hữu trách đã không bảo đảm an ninh một cách thỏa đáng, nhất là đối với khối dân Rohingya. Và đây là một mối quan tâm nghiêm trọng."

Khối người Phật giáo chiếm đa số ở Miến Điện không mấy có cảm tình với người Rohingya mà họ cho là người di dân từ Bangladesh.

Người Rohingya là những người du mục với dân số gần 1 triệu người, nhưng một số người đã sống ở Miến Điện từ nhiều đời.

Luật quốc tịch năm 1982 của Miến Điện không thừa nhận người Ronhingya là một trong số 135 sắc dân thiểu số, khiến họ không có qui chế hợp pháp và làm cho họ dễ bị bóc lột.

Ông Smith nói rằng trong nhiều năm qua giới hữu trách Miến Điện đã vi phạm nhân quyền đối với các cộng đồng thiểu số ở tiểu bang Rakhine, còn có tên gọi là Arakan.

Điều này không có lợi gì cho tình hình cả. Và thêm vào đó, từ tháng 6 tới nay chúng tôi đã thấy những điều kiện sinh hoạt rất tệ hại tại các trại tạm cư trong tiểu bang Arakan. Điều này không giúp ích gì cho việc cải thiện tình hình. Và cũng không có nhiều hoạt động có ý nghĩa để mưu tìm hòa bình và hòa giải. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để giải quyết vấn đề này một cách rốt ráo.

Liên hiệp quốc cho biết người Rohingya là một trong những khối người thiểu số bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Mới đây một làn sóng biểu tình do tu sĩ Phật giáo và sinh viên dẫn đầu đã được tổ chức để đòi chính quyền trục xuất người Rohingya.

Hôm qua, một vị đặc sứ nhân quyền Liên hiệp quốc kêu gọi Miến Điện xem xét lại luật lệ về quốc tịch để giải quyết nguyên do chính yếu đưa tới căng thẳng và thiên kiến. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon nói rằng giới hữu trách nên vãn hồi trật tự và ngăn chận những vụ tấn công tự phát với danh nghĩa tự bảo vệ và những lời lẽ cực đoan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG