Thưa quí vị những dấu chứng thường thấy của tuổi già là mắt mờ, gân cốt rệu rã, nhiều người còn bị thấp khớp và những bất tiện khác của tuổi xế chiều. Người lớn tuổi bước chân vào một siêu thị sàn nhà bóng lộn, đầy ắp hàng hóa được sắp xếp trình bày thật hấp dẫn với nhiều lối đi rộng rãi thì họ có gì phải lo nghĩ hay không? Nhà nhân chủng học Georganne Bender cho rằng khi người ta có tuổi thì chuyện gì cũng phải lo.
Bà nói: "Các nhà bán lẻ rất thích sàn nhà phải bóng lộn, nhưng những khách hàng lớn tuổi có thể lại sợ bị trơn trượt."
Thế rồi đến các kệ hàng. Những kệ hàng có thể quá cao hoặc quá thấp. Một nửa số dân trên 65 tuổi đều bị một hình thức thấp khớp nào đó, mà những người ít tuổi hơn cũng có thể mắc phải, vì thế nhón chân với cao hay cúi lưng xuống thấp để lấy hàng cũng khó khăn cho họ.
Liên Hiệp Toàn Quốc các Công Ty Bán Lẻ cho biết các hội viên của tổ chức đang tìm cách để giúp giới người lớn tuổi mua bán dễ dàng hơn. Chuyên gia Bender nêu lên những thay đổi tại một hệ thống cửa hàng thuốc tây:
"Họ đang cho sắp xếp lại các quầy hàng, không xếp quá cao hay quá thấp, và lót thảm trên sàn nhà."
Các cửa hàng còn treo sẵn kính lúp tại các kệ hàng giúp cho khách đọc những chữ in rất nhỏ trên hộp thuốc hay gói hàng. Nhưng theo bà Bender cho biết thì hiện nay người ta mới chỉ bàn tán nhiều mà thôi chứ chưa có mấy hành động.
Hai ông bà giáo chức hồi hưu Robert và Ronnie Rubin ở tuổi gần 70, biết rõ những khó khăn vẫn tiếp tục, đó là chỉ một số cửa hàng có cửa đóng mở tự động, nhưng số lớn còn lại thì không.
"Phải khỏe như Hercules mới mở được những cánh cửa này."
Bà Ronnie Rubins nói tiếp: "Chồng tôi và tôi nhiều lần chạy đến giúp cho một số người mở cửa vì họ không thể kéo cánh cửa ra được, nặng quá. Chúng tôi rất may là vẫn còn đủ sức để làm được những chuyện này."
Nhưng rồi có thể sẽ có một ngày hai ông bà Rubin được đi mua sắm ở một cửa hàng cung ứng đúng những nhu cầu của họ. Chuyên gia lão học Rosemary Bakker đồng thời là một nhà trang trí nội thất thuộc trường y khoa Weill Cornell đã cùng ông bà Rubins đến thăm một cửa hàng thực phẩm tại thành phố New York trong khu Upper West Side của quận Manhattan. Cửa hàng này được Hội đồng thành phố mệnh danh là "thân thiện với người cao niên."
Tuy nhiên chuyên gia Bakker để ý đến một điều không thân thiện lắm với tuổi già ngay khi họ vừa đẩy xe qua cánh cửa, đó là tiếng nhạc rầm rầm phát ra từ hệ thống khuếch âm gắn trong cửa hàng.
Chuyên gia Bakker nói: "Loại âm nhạc này nhắm nhiều vào giới trẻ thôi, tôi cảm thấy nó làm cho giới lớn tuổi bị chia trí. Vì thế tôi muốn đến đây để mua thực phẩm nhưng trống đánh rầm rầm như thế này khiến tôi cảm thấy là mình đến nhầm chỗ rồi."
Bà cho biết bất cứ ai có khó khăn trong việc vận dụng thân thể gặp cách trưng bày màu sắc chói chang cùng với loại nhạc này sẽ cảm thấy khó mà chịu nổi. Vì lẽ đó mà một bà 79 tuổi ở ngay bên kia đường cho biết là bà tránh không đến đây mua hàng chính vì lý do đó.
Nhưng về mặt khác, cửa hàng này lại có nhiều điểm tốt cho giới khách lớn tuổi. Những hàng lối rộng rãi, đèn đuốc sáng trưng, nhân viên bán hàng rất ân cần và sẵn sàng phụ giúp cho khách. Những bảng giá rất dễ đọc. Chuyên gia Bakker quay sang những dụng cụ để gắp ở quầy bán rau xà lách:
"Ở đây có những dụng cụ vừa tay để gắp thực phẩm. Vì vậy tôi muốn bảo đảm là có thể xúc hoặc gắp thức ăn bỏ vào hộp dễ dàng với những dụng cụ này đây nếu tay tôi có hơi bị thấp khớp."
Trong danh sách những điều bà ao ước là những xe đẩy có ghế gắn chặt trong đó để cho khách mệt có thể ngồi nghỉ trong lúc đi mua sắm. Một số siêu thị bên châu Âu đã có những loại xe đẩy này rồi.
Nhà nhân chủng học chuyên về bán lẻ Georganne Bender cho hay bất kể giới điều hành các cửa hàng có đưa ra mọi phương tiện giúp cho giới lớn tuổi mua sắm dễ dàng hơn, họ cần phải hết sức tế nhị. Chớ bao giờ nên để cho một khách hàng cảm thấy là họ đã già. Đó là một lỗi lầm mới đây một siêu thị đã phạm, khi họ bắt đầu chương trình giảm giá dành cho khách hàng trung thành trên 55 tuổi.
Bà nói: "Và họ gọi đó là chương trình hạ giá cho người lớn tuổi. Năm nay tôi đã 55 tuổi rồi, nhưng không cách gì mà tôi lại cho là mình già. Tôi là loại người không muốn được giảm giá nếu tôi phải mang theo cái thẻ chứng minh công dân cao niên!"
Nhưng bà Bender cho hay nếu họ nghĩ ra được một cái tên khác cho cái thẻ đó thì có thể bà sẽ xét đến chuyện tham gia chương trình hạ giá.
Thế hệ đầu tiên của đợt sinh nở mạnh sau thế chiến thứ hai tại Hoa Kỳ, được gọi là baby boomers, đã bước vào tuổi 65 trong năm nay. Trong vòng 10 năm tới, con số người Mỹ trên 65 tuổi sẽ tăng gần 30%. Đây là sự kiện khiến các doanh nhân trong ngành bán lẻ phải tính đến để làm sao cung ứng phương tiện cho giới khách lớn tuổi sẽ tràn ngập các cửa hàng trong những thập niên sắp đến. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ đem đến quí vị những chi tiết trong bài tường trình của thông tín viên Ashley Milne-Tyte.