Đường dẫn truy cập

Malaysia mở lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370 sau 10 năm mất tích


Một người đàn ông viết lên bảng tin nhắn dành cho hành khách trên chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines trong sự kiện tưởng niệm thường niên lần thứ năm tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3/3/2019.
Một người đàn ông viết lên bảng tin nhắn dành cho hành khách trên chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines trong sự kiện tưởng niệm thường niên lần thứ năm tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3/3/2019.

Malaysia đồng ý mở lại cuộc tìm kiếm xác máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines, theo bộ trưởng giao thông cho biết hôm 20/12, hơn 10 năm sau khi nó biến mất trong một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới.

Chuyến bay MH370, một chiếc Boeing 777 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã biến mất trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014.

"Chúng tôi có trách nhiệm, nghĩa vụ và cam kết với người thân các nạn nhân ", Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke phát biểu tại một cuộc họp báo. "Chúng tôi hy vọng lần này sẽ là tích cực, rằng xác máy bay sẽ được tìm thấy và mang lại sự an ủi cho các thân nhân".

Jiang Hui, người có mẹ là một hành khách trên chuyến bay MH370, hoan nghênh quyết định tiếp tục tìm kiếm, nhưng nói rằng quá trình tìm kiếm đã mất quá nhiều thời gian và sẽ tốt hơn nếu có nhiều bên tham gia hơn.

"Chúng tôi hy vọng chính phủ Malaysia có thể áp dụng một cách tiếp cận cởi mở hơn, chẳng hạn như cung cấp một hệ thống khen thưởng công khai, nơi bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào cuộc tìm kiếm", ông nói.

Lần truyền tín hiệu cuối cùng của MH370 là khoảng 40 phút sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Các phi công đã ký tắt khi máy bay đi vào không phận Việt Nam trên Vịnh Thái Lan và ngay sau đó bộ phát đáp của máy bay đã bị tắt.

Radar quân sự cho thấy máy bay đã rời khỏi đường bay để bay trở lại phía bắc Malaysia rồi ra Biển Andaman trước khi quay về phía nam, sau đó mọi liên lạc đều mất.

Các mảnh vỡ, một số được xác nhận và một số được cho là từ máy bay, đã trôi dạt dọc theo bờ biển Châu Phi và trên các đảo ở Ấn Độ Dương.

Ông Loke cho biết đề xuất nối lại hoạt động tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương đến từ công ty thăm dò Ocean Infinity, vốn đã tiến hành cuộc tìm kiếm máy bay lần cuối kết thúc vào năm 2018 mà không có kết quả.

Người đứng đầu Bộ Giao thông Malaysia nói rằng một hợp đồng sẽ được ký kết trong thời hạn 18 tháng và công ty sẽ nhận được 70 triệu USD nếu thực sự tìm thấy xác máy bay. Ông cho biết thêm rằng cuộc tìm kiếm sẽ diễn ra ở đáy biển của một khu vực mới rộng 15.000 km2.

Không có vị trí chính xác nào của khu vực tìm kiếm mới được đưa ra.

Có hơn 150 hành khách Trung Quốc trên chuyến bay. Những người khác bao gồm 50 người Malaysia cũng như công dân của Pháp, Úc, Indonesia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ukraine và Canada, cùng nhiều nước khác.

Người thân của các nạn nhân đã yêu cầu bồi thường từ Malaysia Airlines, Boeing, nhà sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce và tập đoàn bảo hiểm Allianz, cùng nhiều hãng khác.

Dữ liệu đáng tin cậy

Ông Loke cho biết Malaysia đã đánh giá dữ liệu mới về vị trí có thể xảy ra từ nhiều chuyên gia và Ocean Infinity tự tin về khả năng có thể tìm thấy xác máy bay.

"Tất cả dữ liệu đã được trình bày. Nhóm của chúng tôi đã xem xét và họ cảm thấy rằng dữ liệu đó đáng tin cậy", ông nói.

Malaysia đã thuê Ocean Infinity vào năm 2018 để tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương, nhưng đã thất bại trong hai lần thực hiện.

Cuộc tìm kiếm của Ocean Infinity được thực hiện tiếp theo sau cuộc tìm kiếm dưới nước của Malaysia, Úc và Trung Quốc trong khu vực rộng 120.000 km2 ở Nam Ấn Độ Dương, dựa trên dữ liệu kết nối tự động giữa vệ tinh Inmarsat và máy bay.

Thỏa thuận mới sẽ theo nguyên tắc không tìm thấy thì không mất phí, theo đó Malaysia sẽ không phải trả tiền cho Ocean Infinity trừ khi tìm thấy được và xác minh xác chiếc máy bay.

Khi được hỏi về triển vọng tìm thấy toàn bộ máy bay, ông Loke cho biết sẽ không công bằng nếu mong đợi một cam kết cụ thể.

"Vào thời điểm này, không ai biết chắc chắn. Đã hơn 10 năm rồi", ông nói.

Một báo cáo dài 495 trang về vụ mất tích năm 2018 cho biết hệ thống điều khiển của chiếc Boeing 777 có khả năng đã bị cố tình điều khiển để đi chệch hướng, nhưng các nhà điều tra không thể xác định được ai chịu trách nhiệm và không đưa ra kết luận về những gì đã xảy ra. Họ nói rằng điều đó phụ thuộc vào việc tìm thấy xác máy bay.

Các nhà điều tra cho biết không có gì đáng ngờ trong lý lịch, vấn đề tài chính, đào tạo và sức khỏe tâm thần của cả cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay mất tích đó.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG