Việt Nam vừa yêu cầu một hãng phim nước ngoài phải chỉnh sửa nội dung một bộ phim tài liệu vì phản ánh sai lệch nỗ lực tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam sau khi xảy ra vụ mất tích chuyến bay MH370 cách đây 9 năm.
Chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines chở 239 hành khách bị mất liên lạc trên vùng nam Biển Đông chưa đầy một tiếng sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur của Malaysia đi Bắc Kinh của Trung Quốc vào ngày 8/3/2014. Sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà chức trách vẫn chưa thể xác định nguyên nhân vụ mất tích của chuyến bay này. Đây được xem là vụ mất tích đầy bí ẩn nhất trong ngành hàng không thế giới.
“Ngay sau khi xảy ra vụ việc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích, các cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương, chủ động lên các phương án ứng phó, tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với Malaysia và các quốc gia mong muốn triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên quy mô lớn”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói với phóng viên hôm 6/4 khi đưa ra quan điểm của bộ trước thông tin trong bộ phim “MH370: Chiếc máy bay biến mất” cho rằng Việt Nam không hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay này.
Bộ phim tài liệu, gồm 3 tập, được chiếu trên dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất thế giới Netflix từ ngày 8/3. Bộ phim có tên tiếng Anh “MH370: The Plane That Disappeared” tìm cách chắp nối những bằng chứng và thông tin xuất hiện trong những năm tháng sau vụ mất tích, mà phần giới thiệu của Netflix gọi là “một trong những bí ẩn lớn nhất thời hiện đại”.
Tại buổi họp báo hôm 6/4, bà Hằng nói rằng bộ phim tài liệu này “đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam bất bình”.
Trong bộ phim, theo như The Guardian mô tả nội dung, khi MH370 tiếp cận ranh giới không phận Malaysia, đài kiểm soát không lưu của nước này đã phát tín hiệu vô tuyến để chuyển chuyến bay sang Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của Việt Nam. Cơ trưởng của chuyến bay, Zaharie Ahmad Shah, theo như bộ phim mô tả, đã không hề liên lạc lại với kiểm soát viên ở Việt Nam và MH370 đã biến mất khỏi radar chỉ vài giây sau khi bay vào không phận Việt Nam.
Bà Hằng nói rằng Việt Nam đã “hỗ trợ phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin” và rằng “những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận báo chí trong và ngoài nước ghi nhận”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, “gỡ bỏ và sửa đổi” những nội dung được cho là “không phù hợp”.
VOA đã liên lạc với Netflix, đề nghị họ bình luận về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với bộ phim.
Hồi tháng 2 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (Bộ TTTT) cảnh báo Netflix, dịch vụ phát trực tuyến đang kinh doanh ở Việt Nam từ năm 2016, có thể bị chặn nếu không có pháp nhân tại Việt Nam. Theo dữ liệu của Bộ TTTT, doanh thu của Netflix tại Việt Nam ước đạt 30 triệu USD vào năm 2020. Công ty khổng lồ về livestream trực tuyến của Mỹ có kế hoạch mở văn phòng tại quốc gia Đông Nam Á vào cuối năm nay.
Trước đây, Việt Nam đã yêu cầu Netflix chặn quyền truy cập trong nước đối với những nội dung bị đánh giá là “xúc phạm nhận dân Việt Nam” như bộ phim “Uncharted” (Thợ săn cổ vật) trong đó có hình ảnh “đường lưỡi bò” và bộ phim Hàn Quốc “Little Women” (Ba chị em) trong đó có các cảnh về Chiến tranh Việt Nam mà Việt Nam cấm chiếu vì bị cho là “xuyên tạc lịch sử”.
Diễn đàn