Đường dẫn truy cập

Malaysia bắt đầu khai quật tử thi từ hơn một trăm ngôi mộ tập thể


Cảnh sát pháp y Malaysia cầm những túi đựng hài cốt các nạn nhân tại các trại trong rừng rậm gần biên giới Thái Lan, ngày 25/5/2015.
Cảnh sát pháp y Malaysia cầm những túi đựng hài cốt các nạn nhân tại các trại trong rừng rậm gần biên giới Thái Lan, ngày 25/5/2015.

Giới hữu trách Malaysia cho biết phát hiện 139 ngôi mộ tập thể và 28 trại của những kẻ chuyển lậu người ở miền bắc nước họ. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật từ Bangkok.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí ngày hôm nay tại thị trấn Wang Kelian gần biên giới Thái Lan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Malaysia, Đại tướng Khalid Abu Bakar, cho biết một số chi tiết về vụ phát giác những ngôi mộ tập thể và những trại của người vượt biên.

"Toán nhân viên đầu tiên – là toán pháp y và y khoa, đã tới đó sáng nay để khai quật những hài cốt. Chúng tôi sẽ tiến hành những cuộc giảo nghiệm đối với những hài cốt mà chúng tôi tìm thấy để xác định nguyên do tử vong."

Các giới chức nói rằng trại lớn nhất trong số các trại được tìm thấy từ ngày 11 đến ngày 23 tháng 5 trong khu vực núi non hiểm trở có thể chứa tới 300 người.

Những ngôi mộ này nằm ở Perlis, tiểu bang nhỏ nhất của Malaysia, giáp với tỉnh Songkhla của Thái Lan, là nơi mà những ngôi mộ tập thể cũng được phát giác hồi gần đây.

Khu vực biên giới này là một trạm trung chuyển để những kẻ đưa lậu người đưa những người di dân từ Bangladesh và Myanmar vượt biên sang các nước khác ở Đông Nam Á, chủ yếu là Malaysia.

Sự phát giác những ngôi mộ tập thể ở Thái Lan, nơi có ít nhất 26 hài cốt được khai quật, đã dẫn tới chỗ chính quyền quân nhân Thái Lan phát động chiến dịch trấn áp những đường dây buôn người.

Các tổ chức nhân quyền tố cáo giới hữu trách Malaysia và Thái Lan làm ngơ đối với vấn đề này và có bằng chứng cho thấy sự toa rập của các giới chức tham ô.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức Human Rights Watch, phát biểu như sau.

"Rõ ràng khu vực này là nơi có các trại giam người để đòi tiền chuộc. Và tôi không hề tin là chuyện này có thể xảy ra mà không có sự cấu kết nào đó của nhà cầm quyền."

Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Malaysia, Đại tướng Khalid Abu Bakar, phát biểu trong cuộc họp báo tại Wang Kelian.
Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Malaysia, Đại tướng Khalid Abu Bakar, phát biểu trong cuộc họp báo tại Wang Kelian.

Đại tướng Khalid của Malaysia đã cho biết như sau khi được hỏi về tố cáo đó.

"Chúng tôi sẽ điều tra và chúng tôi không dung thứ bất cứ ai, kể cả các giới chức chính phủ Malaysia."

Thái Lan đã bắt giữ hoặc ra trát bắt giữ gần 80 người dính líu tới hoạt động đưa lậu người.

Ông Robertson kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra thấu đáo hơn ở cả hai nước.

"Tại Thái Lan những gì chúng tôi đã thấy là các chính khách và cảnh sát địa phương bị bắt. Đó là bước đầu. Nhưng họ không bắt những chủ mưu thật sự, những người bảo kê cấp cao của những vụ này. Và tôi dự kiến là chúng ta cũng sẽ thấy một tình trạng giống hệt như vậy ở Malaysia là một số những con dê tế thần cấp thấp sẽ bị bắt để nhận tội cho những gì xảy ra ở đây."

Vì không có một nơi để cập bến, trong thời gian gần đây một số những tay chuyển lậu người đã bỏ tàu của họ trên biển, khiến cho hàng vạn người trên những chiếc tàu ọp ẹp phải lênh đênh trên biển trong lúc lương thực và nước uống bị cạn kiệt.

Thoạt đầu, ba nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã xua đuổi những thuyền nhân.

Nhưng hồi tuần trước, dưới áp lực quốc tế, họ loan báo sẽ tạm thời cho phép những chiếc thuyền của người vượt biên được vào bở để tiến hành thủ tục hồi cư hoặc tái định cư ở nước khác.

Những thuyền nhân này là người Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar.

Mấy ngàn người đã được cứu hoặc tự bơi vào bờ từ vùng biển ngoài khơi Indonesia và Malaysia.

Các tổ chức nhân quyền tin rằng hơn 30.000 người còn đang lênh đênh trên biển.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG