Hơn 400 di dân Rohingya bị đẩy trở lại ra biển tại miền nam Thái Lan tuần trước cuối cùng đã đến Indonesia. Ngư dân địa phương ngày hôm qua đã cứu được các di dân, nhiều người yếu sức và đói khát và đưa họ đến tỉnh Aceh ở miền đông. Hầu hết các di dân là người Rohingya, một cộng đồng hầu hết là sắc dân Hồi Giáo nghèo khổ từ Myanmar, nơi chính phủ xem những người này là những người vô tổ quốc hay là những người Bangladesh tìm cách thoát cảnh nghèo túng ở quê nhà. Theo tường trình của Thông tín viên Steve Stanford từ Đảo Lipe, Thái Lan, hàng ngàn người có thể còn lênh đênh trên biển và có nguy cơ tử vong.
Một chiếc thuyền chở đầy người Rohingya và Bangladesh được nhận vào đất Indonesia, sau khi họ bị 3 nước châu Á đẩy ra biển trong những ngày gần đây.
Việc cứu những người này xảy ra sau khi Indonesia và Malaysia đồng ý cung cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn người trôi dạt trên biển.
Tuần trước, các giới chức Thái Lan đẩy họ trở ra hải phận quốc tế sau khi sửa chửa máy tàu và cung cấp 3 ngày thực phẩm và xăng dầu.
Hải quân Trung tá Thái Lan Weerapong Nakprasit giải thích chính sách này:
“Trước tiên, chúng tôi nhìn vào khía cạnh nhân đạo. Đó là những gì hiện nay chúng tôi đang làm, đó là những gì chúng tôi luôn luôn làm. Nhưng điều quan trọng nhất là an ninh bên trong đất nước chúng tôi. Nếu họ vào vùng biển của chúng tôi, họ vi phạm luật pháp và được xem như là những di dân bất hợp pháp.”
Các quan sát viên ước lượng còn có hàng ngàn người khác bị giữ trên các tàu thuyền chuyển lậu người dọc theo bờ biển để tránh bị bắt giữ.
Một số nhà hoạt động và các tổ chức cứu trợ nước ngoài đã tham gia các cuộc tìm kiếm, hy vọng trợ giúp những người Rohingya đối mặt với nghèo khó và ngược đãi tại Myanmar và đói khát trên biển.
Ông Matthew Smith thuộc tổ chức Củng cố Nhân quyền nói cần phải qui trách về cuộc khủng hoảng này.
“Chúng tôi chủ trương là Myanmar đáng được liệt vào cấp 3 là cấp dành cho các chính phủ không hoàn toàn tuân thủ với những tiêu chuẩn tối thiểu và không có những nỗ lực đáng kể để hoàn tất trong Phúc trình về Buôn người TIP. Lý do là vì nạn buôn người tại Myanmar trở thành có hệ thống. Toàn bộ cuộc di dân khỏi Myanmar có liên quan đến các tay buôn người và cội rễ của việc này là tại Myanmar.”
Tình hình trên những con tàu rất bi đát, đặc biệt đối với trẻ em, nhiều em cùng cha mẹ thoát khỏi những trại tái định cư bẩn thỉu tại bang Rakhine ở Myanmar.
Em Muhamid Abdul, 13 tuổi, nhảy ra khỏi thuyền hồi tháng trước kể lại những nổi kinh hoàng em phải chịu đựng.
“Trong khi ở trên thuyền, chúng tôi bị nhốt bên dưới sàn tàu. Khi chúng tôi xin nước họ không cho. Và các người canh gác đánh đập chúng tôi, và một số người bị đánh chết. Tôi thấy xác của đàn ông và trẻ em bị ném xuống biển.”
Trong khi có tin thêm những con tàu chở đầy người Rohingya sắp rời khỏi Myanmar, nhiều nhà hoạt động tự hỏi bao giờ thì nước này mới bị qui trách nhiệm.