Cuộc đấu tranh của người dân Miến Điện chống lại độc tài quân phiệt, tuy đang chịu nhiều mất mát hy sinh, nhưng đã tạo được sự đoàn kết cần thiết hiện nay và được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và đa số các quốc gia còn lại. Ngoại trừ Trung Quốc và Nga.
Sự kiện cô Angel (được biết đến là Ma Kya Sin), 19 tuổi, một võ sĩ Taekwondo, bị bắn chết trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng Ba đã làm nao lòng người quan tâm khắp nơi. Trước khi bị giết, video quay lại tiếng thét của cô: “Chúng tôi sẽ không bỏ chạy” và “Máu không được đổ”. Cô Angel bị bắn vào đầu tại thành phố Mandalay, trong khi mặc chiếc áo “Mọi sự rồi sẽ ổn thôi”, khi lìa đời. Không phải cô Angel không biết những mối nguy hiểm đối diện trong cuộc đấu tranh này, bởi vì trước đó cô đã dặn dò rằng cô muốn cống hiến thi thể của mình nếu cô chết.
Hàng trăm người, bất chất lệnh cấm và hiểm nguy, đã tham dự đám tang của cô Angel hôm nay, thứ Sáu ngày 5 tháng Ba. Phần lớn họ cũng trẻ như cô Angel. Đi ngang qua quan tài cô Angel, người đưa tang vừa đi vừa hát bài phản kháng, đưa ba ngón tay để thách thức chế độ cầm quyền, và hô vang khẩu hiệu chống lại cuộc đảo chính ngày 1 tháng Hai đã khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cô Angel là một trong 38 người bị giết vào thứ Tư vừa qua, theo thống kê từ Liên Hiệp Quốc. Tính đến nay đã có ít nhất 54 người bị giết, và hơn 1.700 người dân và 29 phóng viên bị bắt giam, và LHQ đã kêu gọi quân đội “ngừng giết” người biểu tình. Chỉ nội trong ngày thứ Tư mà ít nhất 700 người bị bắt giam.
Ngoài các trừng phạt mà Tổng thống Biden áp đặt lên quân đội Miến vào tháng trước, chính phủ Mỹ, nhất là Bộ Thương mại và Ngân khố Mỹ, đang cân nhắc các biện pháp nặng nhất đối với các cá nhân đã tham gia trực tiếp vào cuộc đảo chánh. Nó bao gồm, nhưng không phải tất cả, việc lập ra danh sách "công dân được chỉ định đặc biệt", để đóng băng tài sản những cá nhân này, chặn tất cả các giao dịch với người Mỹ, và loại bỏ tất cả ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để chấm dứt cuộc đảo chánh này, và phục hồi chính quyền dân sự. Tháng trước, Trung Quốc đã dùng quyền biểu quyết của mình để ngăn chặn thông cáo của Hội đồng Bảo an LHQ lên án cuộc đảo chánh này. Hiện nay Trung Quốc và Nga là hai nước có lập trường thân cận với quân phiệt Miến và không tỏ vẻ ủng hộ biện pháp cứng rắn, trừng phạt lên phía đảo chánh.
Nhà hoạt động Maung Saungkha, và cũng là thi sĩ, nói với Reuters: “Chúng tôi biết rằng chúng tôi luôn có thể bị bắn chết bằng đạn thật nhưng không có ý nghĩa gì nếu sống sót dưới chế độ quân phiệt”.
Sự kiện đáng kể từ cuộc đảo chánh đến nay là sự đoàn kết của các sắc tộc Miến chống lại quân đảo chánh. Cũng xin mở ngoặc ở đây rằng, hiện tại có 135 nhóm sắc tộc được ghi nhận chính thức trong Đạo luật Công dân Miến (năm 1982), nhưng cũng có nhiều sắc tộc khác không được chính thức công nhận. Nhóm sắc tộc lớn nhất tại Miến là Bamar, chiếm 68% dân số.
Một người trẻ tên Tina, đảm trách về quan hệ công chúng, người sắc tộc Karen, cho biết cô tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ mang lại/đến dân chủ đích thực cho nước này. Tina cho biết cô chưa bao giờ thấy người dân Myanmar đoàn kết mạnh mẽ như thế, không chỉ ở Yangon, mà còn trên toàn Miến Điện. Tina tin rằng, thế hệ cô sẽ cùng nhau đấu tranh cho công lý và nền dân chủ thực sự của mình. Tina nói: “Chúng tôi là những người biểu tình ôn hòa, không có vũ khí. Chúng tôi không thể chống lại sức mạnh cứng rắn mà quân đội có được. Họ có Trung Quốc và Nga [đằng sau]. Họ có vũ khí. Nhưng công dân chúng tôi không có gì cả."
Những người trẻ Miến hôm nay nhận ra rằng cuộc đấu tranh chống độc tài, quân phiệt muốn thành công thì cần mọi người dân, thuộc mọi sắc dân, đứng về một phía. Nhiều người trẻ Miến tỏ vẻ hối hận đã không lên tiếng khi vụ tàn sát người Rohingya xảy ra vào năm 2017. Mối đe dọa lớn nhất đối với mọi người là Hiến pháp 2008 cho phép quân đội cướp chính quyền bất cứ lúc nào. Chính Hiến pháp này cũng gây ra bao nhiêu vấn đề giữa người Bamar, và các sắc tộc thiểu số khác.
Mọi chế độ độc tài đều muốn chia rẽ, và phân biệt đối xử, để qua đó họ duy trì quyền lực. Sự đối xử phân biệt này có nguy cơ dẫn đến giết hại, hay kể cả diệt chủng, như đã xảy ra tại Miến. Trong khi đó, người Bamar, chiếm đa số, vẫn tiếp tục bị thống trị bởi độc tài quân phiệt, và dường như không có lối thoát khi vẫn còn Hiến pháp này. Cho nên đồng lõa với sự phân biệt đối xử của các chế độ độc tài cũng có nghĩa là tiếp tay để kéo dài sự cai trị và tội ác của họ, lên toàn quốc gia. Kết quả sau cùng: mọi người dân đều là nạn nhân cả.
Khi mọi người dân trong một quốc gia đó nhìn ra được vấn đề này, như thế hệ trẻ Miến Điện hiện nay, thì hy vọng một ngày không xa, tất cả cùng chung vai sát cánh để đấu tranh cho một nền dân chủ mà trong đó mọi người dân thuộc mọi sắc tộc đều có tiếng nói tương xứng. Trong đó, nhân quyền của mọi công dân được tôn trọng. Còn nếu vẫn dùng đa số để áp đặt hoặc để thống trị thiểu số, thì sau cùng, như lịch sử đã chứng minh, cái thiểu số vài kẻ độc tài sẽ lên ngôi và ngồi trên đầu trên cổ tất cả mọi người dân. Dân chủ, tự do, nhân quyền chỉ còn là bánh vẽ mà thôi.
Hy vọng cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện cũng như các cuộc đấu tranh gỡ bỏ độc tài toàn trị và cộng sản, sẽ là những bài học đáng suy ngẫm và rút tỉa cho đất nước Việt hôm nay.