Đường dẫn truy cập

Làm sao để ‘đả thương’ thủ tướng


Thủ tướng Boris Johnson vừa bị tới 148 dân biểu thuộc chính Đảng Bảo thủ của ông bỏ phiếu bất tín nhiệm tối 6/6.
Thủ tướng Boris Johnson vừa bị tới 148 dân biểu thuộc chính Đảng Bảo thủ của ông bỏ phiếu bất tín nhiệm tối 6/6.

Một số dân biểu nói họ muốn thấy một thủ tướng tham vấn rộng rãi hơn khi ra quyết định giống như ông Johnson từng làm khi là thị trưởng London nhưng giờ đã quá kiêu căng và bỏ ngoài tai nhiều lời tư vấn đúng đắn.

Tại nền dân chủ già đời trên thế giới như Anh Quốc, đả thương thủ tướng trên chính trường không có gì khó.

Bằng chứng là Thủ tướng Boris Johnson vừa bị tới 148 dân biểu thuộc chính Đảng Bảo thủ của ông bỏ phiếu bất tín nhiệm tối 6/6. Số dân biểu tín nhiệm ông vẫn lớn hơn – 211 người, có lẽ trong đó có cả ông. Chuyện thủ tướng được tham gia bỏ phiếu trong cuộc thử thách độ tín nhiệm của chính mình cũng được cho là điều trớ trêu. Nhưng việc có tới trên 40% dân biểu thuộc chính Đảng Bảo thủ muốn ông Johnson từ chức đã đủ để có người dự đoán rằng đây là mùa hè cuối cùng của ông trong vai trò thủ tướng.

Vậy làm sao để khiến một thủ tướng Anh trọng thương trên chính trường? Đơn giản là chỉ cần 15% dân biểu gửi thư tới chủ tịch uỷ ban phụ trách bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ nói rằng họ không còn tín nhiệm thủ tướng nữa. Con số đó đã đạt được hôm 5/6 và ngay ngày hôm sau cuộc bỏ phiếu đã diễn ra tại phòng họp số 10 của Nghị viện Anh.

Nhiều dân biểu giận dữ trước việc Thủ tướng Anh đã vi phạm các quy định về cấm tụ họp trong thời gian phong toả vì Covid trong năm 2020 và 2021, không có chính sách hợp lý tức thời để giúp người dân đối phó với giá cả gia tăng và lúng túng trong việc giải quyết người di cư bất hợp pháp vào Anh cũng như vấn đề biên giới hàng hoá giữa Bắc Ai-len thuộc Anh và phần còn lại của nước Anh sau khi vương quốc này rời EU.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra từ 6-8 giờ tối 6/6, ông Boris Johnson có cơ hội phát biểu trước dân biểu của Đảng Bảo thủ nhằm thuyết phục họ bỏ phiếu giữ ông ở lại. Chỉ riêng việc ông Johnson phải đích thân thuyết phục dân biểu thuộc chính đảng của ông giữ ông trên ghế thủ tướng đã cho thấy đó không phải là điều gì hay ho.

Một trong các nhà bình luận, ông Gavin Barwell, người phụ trách nhân sự cho cựu Thủ tướng Theresa May nói trước giờ bỏ phiếu rằng chỉ cần 133 dân biểu (37% - bằng với số dân biểu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May vài năm trước) bỏ phiếu chống lại ông Johnson nó sẽ đánh dấu “sự khởi đầu của dấu chấm hết” đối với sự nghiệp của ông thủ tướng và con số trên 144 (trên 40%) đáng ra sẽ kết liễu sự nghiệp này nhưng ông Johnson sẽ còn giãy giụa.

Con số 148 là lớn hơn nhiều so với dự đoán của chính ông thủ tướng và những người ủng hộ ông. Cho dù bà Theresa May, người tiền nhiệm của ông Johnson, chỉ bị 37% dân biểu bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 12/2018 vì bất đồng liên quan tới Brexit, bà đã buộc phải từ chức sáu tháng sau đó, thực tế là vào đúng ngày 7/6/2019, tức tròn ba năm trước.

Các nhà bình luận cũng nói rằng con số 148 không phản ánh toàn bộ bức tranh bởi ngoài việc ông thủ tướng được bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính ông còn có các dân biểu đang nắm giữ các chức vụ do ông Johnson bổ nhiệm và họ bỏ phiếu cho ông thủ tướng có phần do muốn giữ ghế của chính họ.

Một số dân biểu nói họ muốn thấy một thủ tướng tham vấn rộng rãi hơn khi ra quyết định giống như ông Johnson từng làm khi là thị trưởng London nhưng giờ đã quá kiêu căng và bỏ ngoài tai nhiều lời tư vấn đúng đắn.

Bản thân ông thủ tướng tuyên bố rằng sự ủng hộ của 59% dân biểu Bảo thủ là chiến thắng “thuyết phục”. Nhưng chỉ cần nhìn các tít trên trang nhất của các báo Anh đã có thể thấy nó chẳng thuyết phục được mấy ai. The Times chạy tít ‘Người chiến thắng bị thương’, cả Metro và Daily Mirror viết ‘Tiệc tàn rồi Boris’, The Guardian đặt tựa ‘Thủ tướng bám víu quyền lực sau cuộc bỏ phiếu tủi nhục’ còn The Independent viết ‘Johnson vật vã [khi đã] bị thương’.

Ở Việt Nam vị thủ tướng cuối cùng bị chính các đảng viên trong đảng của mình đòi kỷ luật chính là ông Nguyễn Tấn Dũng. Dù lúc đầu Bộ Chính trị không thể thuyết phục Ban chấp hành trung ương kỷ luật ông thủ tướng, ông Dũng đã không đạt được tham vọng trở thành tổng bí thư về sau này. Nhưng Việt Nam chỉ có duy nhất một đảng nên dù đảng đó có tệ hại tới đâu người dân Việt Nam cũng không có lựa chọn nào khác. Tại Anh, có thăm dò dư luận cho thấy nếu bầu cử được tổ chức ngày hôm nay, Đảng Lao động đối lập sẽ chiến thắng do cách điều hành đất nước bị động và lúng túng của Đảng Bảo thủ đương quyền. Đây là lý do khác khiến vị trí của ông Johnson sẽ ngày một lung lay nếu đảng của ông thất bại trong hai cuộc bầu cử địa phương sắp diễn ra tại Anh.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG