Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, người từng là đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã tiết lộ những thông tin mà ông gọi là “câu chuyện bếp núc” cho việc chuẩn bị và đón tiếp Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ vượt hai bậc chưa từng có tiền lệ giữa hai nước cựu thù vào tháng trước.
Trong cuộc trò chuyện với các lãnh đạo lão thành của Câu lạc bộ Thăng Long ở Hà Nội, ông Ngọc cho biết những thông tin mà ông nói là không có trên báo chí về việc tại sao lại có chuyến thăm của Tống thống Biden, Việt Nam đã chuẩn bị thế nào để đón người đứng đầu Nhà Trắng trong thời gian ngang với chiến dịch Điện Biên Phủ, và vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc “tạo được sự đồng thuận” trong nội bộ để nâng quan hệ với Mỹ lên tầm cao nhất.
Vì sao TBT Trọng không đi Mỹ?
“Có rất nhiều người, kể cả trong dư luận quốc tế, đặt câu hỏi là tại sao lại có chuyến thăm này?,” ông Ngọc nói khi trò chuyện với các lãnh đạo Đảng đã về hưu tại trụ sở CLB Thăng Long trước khi đưa lý do cho quyết định đi thăm Việt Nam của Tổng thống Biden.
Tổng thống Biden hồi tháng 8 bất ngờ thông báo về chuyến thăm Hà Nội của ông cũng như mong muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ của Việt Nam khi ông đang đi vận động tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Trong đoạn ghi âm cuộc trò chuyện của ông Ngọc tại CLB Thăng Long mà VOA được nghe, vị thứ trưởng ngoại giao nói rằng công việc chuẩn bị đón tiếp ông Biden tại Hà Nội chỉ bắt đầu vào đầu tháng 7 sau khi tình thế “xoay chuyển” từ việc TBT Trọng không thể sang Mỹ nên Tổng thống Biden phải đi Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ.
Theo ông Ngọc, ông Trọng đã có kế hoạch thăm Mỹ vào thời gian “nửa sau kỳ Đại hội 12”, trong thời gian ông Ngọc làm đại sứ ở Washington, từ tháng 7/2018 đến 2/2022. Tuy nhiên, “một sự cố sức khỏe của Tổng bí thư khi đi công tác ở phía Nam” đã khiến ông Trọng không thể thực hiện chuyến thăm này.
Các nguồn tin không chính thức lúc đó nói rằng ông Trọng bị đột quỵ khi đi thăm và làm việc tại Kiên Giang vào giữa tháng 4/2019 trong khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết ông Trọng “bị ảnh hưởng do thời tiết thay đổi”. Sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói ông Trọng, lúc đó kiêm chức chủ tịch nước, sẽ sớm trở lại làm việc bình thường.
Đến tháng 3 năm nay, ông Trọng lại lên kế hoạch thăm Mỹ, và theo ông Ngọc, phía Mỹ đã “bắt tay triển khai” cho việc thăm Washington của tổng bí thư Việt Nam.
Nhưng “một cuộc họp của hơn 20 vị bác sỹ chăm sóc sức khỏe của Tổng bí thư” sau đó “kết luận rằng Tổng bí thư chưa đủ điều kiện (sức khỏe) để đi xa như thế,” theo ông Ngọc cho biết. Ông Trọng sau đó cử trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung đến Mỹ vào tháng 6, đem theo bức thư mời Tổng thống Biden tới Việt Nam.
Một quan chức Mỹ cho CNN biết rằng sau cuộc gặp của ông Trung và Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan ở Washington, phía Mỹ đề xuất nâng quan hệ lên mức cao nhất có thể để Mỹ ngang hàng với Trung Quốc và các đối tác chiến lược khác của Việt Nam để Tổng thống Biden tới Hà Nội và cùng ông Trọng đưa ra tuyên bố.
Trong buổi nói chuyện dài gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ, ông Ngọc đã tiết lộ với các lãnh đạo lão thành của Đảng về lý do tại sao Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ vượt 2 bậc.
“Nếu mà chỉ nâng lên đối tác chiến lược thì Mỹ họ tâm tư,” ông Ngọc nói. “Hôm chúng (tôi) hội đàm trực tuyến cuộc đầu tiên, (phía Mỹ) nói là nếu chỉ nâng lên đối tác chiến lược thì chúng tôi là cường quốc hạng 2 à? Chúng tôi vẫn kém các nước khác à?”
Ông Ngọc cho biết Mỹ là một đối tác “rất quan trọng” của Việt Nam và rằng “điều kiện cũng khá chín muồi” để nâng lên đối tác chiến lược toàn diện.
“Thường thì nâng cấp quan hệ với Mỹ thì các quốc gia phải đến Mỹ và tuyên bố trên đất Mỹ nhưng lần này ông (Biden) lại đi Việt Nam và cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp,” ông Ngọc nói và cho biết phía Mỹ đã phải điều chỉnh lại các chương trình hoạt động đối ngoại cấp cao để Tổng thống Biden thăm Việt Nam vì Hà Nội không có trong lịch trình thăm của người đứng đầu Nhà Trắng trong năm 2023.
'Hình ảnh tổng bí thư phải lung linh’
Có nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ của chính phủ Việt Nam về việc đón tiếp Tổng thống Mỹ, theo ông Ngọc.
“Có người thắc mắc là theo luật thì phải là đồng chí khác chứ, tại sao lại là tổng bí thư?” ông Ngọc, người cùng Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam từ A đến Z trong vòng 57 ngày - chỉ hơn chiến dịch Điện Biên Phủ 1 ngày, nói. “(Nhưng) Bộ Chính trị họp và thống nhất rất là cao là Tổng bí thư sẽ chủ trì đón.”
Theo tiết lộ của ông Ngọc, Tổng thống Biden đã cắt ngắn thời gian tại cuộc họp G20 ở Ấn Độ để tới Việt Nam từ ngày 10/9 cho lễ đón chính thức vào buổi chiều, thay vì ngày hôm sau vốn có thể rất nắng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho ông Trọng.
Thừa nhận về vấn đề sức khỏe của ông Trọng, hiện 80 tuổi, ông Ngọc cho biết ông đã phải thay đổi thông lệ và áp dụng các “thủ pháp” nhằm đảm bảo hình ảnh của ông Trọng được “lung linh.”
“Tổng bí thư (Trọng) không thể đi lại như một người bình thường để duyệt đội danh dự,” ông Ngọc nói. “Thay vì Tổng bí thư mời Tổng thống Mỹ duyệt đội danh dự thì bây giờ đội danh dự và và đội diễu binh sẽ đi qua trước mặt (ông Trọng và ông Biden).”
Ông Trọng cũng được tập đi lên xuống bục gỗ nhiều lần trước sự kiện cũng như có một thanh ngang “mạ vàng buộc nơ” để vịn vào khi đứng cùng Tổng thống Biden trong lễ đón ở Phủ Chủ tịch hôm 10/9, theo ông Ngọc.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết ông cũng phải dùng các “tiêu binh” hay “các cháu vẫy cờ” hoặc bố trí các cảnh vệ đứng làm “lá chắn” để phóng viên không quay được cảnh ông Trọng bước xuống xe, vì ông có thể vấp ngã và bị quay vào ống kính phóng viên.
Việt Nam cũng yêu cầu Mỹ cắt phần hỏi đáp của phóng viên sau cuộc họp tuyên bố nâng cấp quan hệ của TBT Trọng và Tổng thống Biden vì, theo ông Ngọc, ông Trọng “mà phải trả lời báo chí thì có lẽ ứng phó sẽ không thể nhanh nhẹn như trước được.”
Khi được một lãnh đạo lão thành của CLB Thăng Long hỏi lý do vì sao Việt Nam không bắn đại bác đón Tổng thống Biden, ông Ngọc nói rằng phía Mỹ không quan trọng điều đó.
“(Việc bắn đại bác) đã được bàn kỹ trong các phương án đón (Tổng thống Biden) của (Việt Nam),” ông Ngọc nói. “(Nhưng phía Mỹ) không quan tâm nhiều lắm đến nghi thức đón. Bản thân họ rất đơn giản.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi tới thăm Hà Nội năm 2017, được chào đón bằng 21 phát đại bác.
Phía Mỹ cũng không yêu cầu trải thảm đỏ khi đón tiếp Tổng thống Biden vì, như ông Ngọc cho biết, phía Mỹ thấy trải thảm rất rủi ro và sợ “tổng thống của họ không may đi vấp chân một cái.”
Ông Biden, 82 tuổi, cũng từng có một số lần vấp ngã khi đi lên xuống cầu thang máy bay Air Force One trước đây.
Một yếu tố khác được Việt Nam xem xét để quyết định không bắn đại bác là sự “có đi có lại trong ngoại giao.”
“Nếu ta bắn 21 loạt đại bác ở đây mà sang Mỹ bạn lại không bắn thì sao?,” ông Ngọc nói. “Lúc đó ta cảm giác bạn không tôn trọng ta mà Mỹ họ lại không bắn (đại bác).”
Ông Trọng được đón tiếp bằng 21 phát đại bác trong lễ đón do Chủ tịch Tập chủ trì tại Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái.
Đối phó với Trung Quốc
Theo các tiết lộ của ông Ngọc, Việt Nam đã chuẩn bị cho phản ứng của Trung Quốc và cả các nước Cộng sản thân thiết như Cuba về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ.
Trước chuyến thăm của ông Biden tới Hà Nội, các lãnh đạo Việt Nam đã tới thăm Trung Quốc cũng như tiếp đón các quan chức cấp cao của Bắc Kinh tới đây.
“Tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đi Trung Quốc? Có người bảo mình sợ Trung Quốc à?,” ông Ngọc nói và giải thích rằng ông Trọng được “ưu tiên” đi Trung Quốc vì khoảng cách gần nhất cho tình trạng sức khỏe của tổng bí thư. “Thông điệp quan trọng nhất khi tổng bí thư đi Trung Quốc là để nói lên rằng (Việt Nam) rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc.”
Việt Nam đã cử người sang Trung Quốc thông báo là sẽ có chuyến thăm của Tổng thống Biden và sau đó lại thông báo cho Bắc Kinh về việc sẽ nâng cấp quan hệ với Mỹ. Ông Ngọc nói rằng điều đó để các nước bạn bè đối tác “không bị bất ngờ.”
Theo ông Ngọc, Trung Quốc luôn nói tôn trọng “độc lập chủ quyền” của Việt Nam nhưng “vẫn lưu ý Việt Nam về mưu đồ và hãy cảnh giác với việc Mỹ chống chủ nghĩa xã hội.”
Việt Nam đã đưa được “cái đuôi”, theo như lời ông Ngọc, là “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” vào trong tuyên bố chung khi nâng cấp quan hệ với Mỹ. Điều này, theo ông Ngọc, cho Trung Quốc thấy Việt Nam “không kéo bè kéo cánh” mà quan hệ với Mỹ là “vì hòa bình.”
Ông Ngọc thừa nhận Việt Nam “cần Mỹ” bởi “chẳng có quốc gia nào không cần Mỹ cả” và cho biết rằng những tính toán của Việt Nam cho việc nâng cấp quan hệ với Mỹ là “chiến lược.”
“Trung Quốc bây giờ cũng vẫn phải cần Mỹ vì (Mỹ) là một đối tác, một siêu cường quan trọng, có tiềm lực kinh tế, quân sự,” ông Ngọc nói. “Chẳng có (nước nào) không chơi với Mỹ mà tử tế được. (Đối với) Cuba, (Tổng bí thư) Trọng nói bao lần ‘Phải phá cái bao vây cấm vận (với Mỹ) đi chứ còn để thế này thì không phát triển được đâu.”
Ông Ngọc ca ngợi vai trò của ông Trọng trong việc thống nhất được Bộ Chính trị để cùng nhất trí đưa Mỹ lên tầm đối tác chiến lược cao nhất của Việt Nam và gọi việc Tổng thống Biden đến Hà Nội cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ với ông Trọng là một “thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.”
Diễn đàn