Đường dẫn truy cập

Luật đất đai và hai lỗ hổng cần vá


Một cuộc biểu tình trước đây của nông dân tại Hà Nội phản đối nạn tịch thu đất đai bừa bãi. Hình minh họa.
Một cuộc biểu tình trước đây của nông dân tại Hà Nội phản đối nạn tịch thu đất đai bừa bãi. Hình minh họa.

Nếu như hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được vận hành liên thông giữa các cơ quan nhà nước, và công khai tại một số website cho người dân tìm hiểu, quản lý, thì chắc chắn sẽ làm rõ được chủ của từng mảnh đất tại từng địa chỉ cụ thể, và tất cả tài sản của quan chức sẽ “hiện lên màn hình”.

Vào lúc nhân dân đang ồn ào đồn đoán về sức khoẻ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì ông xuất hiện tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Mặc dù không được khoẻ, nhiều chuyên gia cho rằng ông buộc phải xuất hiện vì tính chất quan trọng của việc thông qua Luật Đất đai và Luật các Tổ chức tín dụng.

Ông muốn đưa ra một thông điệp là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về “Hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai” phải được thực thi, đồng thời đập tan những nghi ngờ và đồn đoán về sức khoẻ của mình.

Gấp gáp thông qua

Chỉ cách đây gần 2 tháng, tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 11/2023, có đến 91,7% đại biểu Quốc Hội quyết định điều chỉnh chương trình họp và không thông qua Luật đất đai sửa đổi vì cho rằng còn“một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án tối ưu”.

Thế nhưng chỉ sau hơn 1 tháng sau, Quốc hội đã họp lại bất thường để thực hiện “Nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất trong cả nhiệm kỳ” là thông qua Luật đất đai sửa đổi với tỷ lệ tán thành là 87,63%. Có 20 đại biểu không tán thành và 25 đại biểu không biểu quyết.

Khi chưa thông qua thì Quốc hội cho rằng: “Do đây là dự án luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội nên Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật”.

Còn khi thông qua thì lại cho rằng “Dự án luật đã được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu, qua nhiều vòng, nhiều bước”.

Và Bộ Luật đồ sộ với 16 chương và 260 điều đã được thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Đây là một quyết định rất gấp nhằm kích thích nền kinh tế, hy vọng tạo được động lực lan toả ra các ngành khác và tăng cường hơn nữa công tác chống tham nhũng.

Thế nhưng thị trường không phải là phòng họp Diên Hồng và thực tế khác xa với những mong muốn trong Nghị quyết của đảng. Ngược lại, việc thông qua vội vàng có thể lại là cơ sở cho các nhóm lợi ích tiến hành hàng loạt các hoạt động tham nhũng chính sách trong khoảng 65 Nghị định hướng dẫn sẽ ra đời trong năm nay.

Đồng thời công cuộc chống tham nhũng không thể có tiến triển nếu như không trám ngay hai lỗ hổng quan trọng đang cố tình bị tháo ra là “Hệ thống thông tin đất đai” và “Dự luật thuế tài sản”.

Nghị định “uốn éo” các khái niệm

Luật đất đai Việt Nam đã được ban hành và sửa đổi nhiều lần kể từ sau thời kỳ đổi mới. Lần đầu tiên là vào năm 1987 rồi sau đó cứ khoảng 10 năm lại có 1 bộ Luật mới (1993, 2003, 2013, 2023), ở giữa quãng 10 năm này là hàng chục, thậm chí hàng trăm Nghị định và Thông tư hướng dẫn được ban hành để giải thích và hướng dẫn Luật.

Nhưng dù đã “uốn éo” đủ các loại khái niệm, “phát minh” nhiều thuật ngữ pháp lý mới, nó vẫn không thể giải quyết được vấn đề nền tảng nhất là chế độ sở hữu. Đảng cộng sản phải chốt một việc quan trọng là: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất”.

Đây là nguyên tắc cơ bản của chế độ XHCN cần phải giữ mặc dù nó tạo ra hàng loạt mâu thuẫn về nội dung thực hiện cũng như kỹ thuật lập pháp.

Chính một bài viết trên báo Tuyên giáo về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã phải thừa nhận: “ở chừng mực nhất định, đã biến sở hữu toàn dân thành sở hữu danh nghĩa, biến quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước thành hình thức và biến sở hữu đất đai thành sở hữu thực chất của một số cá nhân trực tiếp nắm quyền quản lý, định đoạt đối với đất đai. Những cá nhân này lợi dụng sơ hở cấu kết với các nhà đầu tư trục lợi, tiêu cực, tham nhũng và gây bất bình trong nhân dân”

Khi Luật được thông qua mà chưa đủ cụ thể và chi tiết thì các “chùm, chuỗi văn bản hướng dẫn” sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm tham nhũng, lãng phí xuất hiện. Mỗi một nhóm sẽ có cách uốn éo kiểu “cây tre” để tạo những lợi thế nhất cho nhóm của mình.

Xung lực giải cứu Bất động sản?

Dù sao, bóng đã được đá sang Chính phủ, và đầu năm 2025 thì “Bộ Tam” gồm: Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ hình thành nên những công cụ chính sách quan trọng có thể thúc đẩy nền kinh tế đang lờ đờ có thêm động lực, mà ý nghĩa của nó thì có thể bắt đầu từ bây giờ.

Các nhà lập pháp hy vọng tạo niềm tin cho người dân và những nhà đầu tư tiếp tục bỏ vốn vào BĐS là ngành đang chiếm vị trí quan trọng nhất trong toàn bộ nền kinh tế nhưng 2 năm qua đang rơi vào tình trạng đóng băng.

Tờ Đầu tư tài chính cho biết “Theo nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt nam, thì BĐS đóng góp trực tiếp khoảng 15% vào tỷ trọng GDP của quốc gia, cùng với sức lan toả tới 40 ngành nghề chủ chốt”.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng nhà nước cho biết thì tính đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng là 2,74 triệu tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 21,46% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trang CafeF dẫn nguồn từ Ngân hàng NN cho biết Tiền vẫn ồ ạt chảy vào kinh doanh BĐS. Hơn 28% tổng quy mô tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm 2023 được đóng góp bởi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Hay nói đơn giản, cứ 100 đồng tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm thì có 28 đồng chảy vào hoạt động kinh doanh BĐS.

Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào Bất động sản để tạo nên một “xung lực” kiểu dạng đầu tàu kéo các ngành kinh tế khác đi lên thì rất nguy hiểm vì khi nó đi xuống như hiện tại, sẽ ghìm toàn bộ các ngành khác lại.

Lịch sử đã cho thấy tất cả các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình đều dựa vào phát triển công nghiệp, xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh để tạo ra hàng hoá, của cải vật chất cho toàn xã hội và phát triển lên tầm quốc tế chứ không phải là Bất động sản.

Cần bịt hai lỗ hổng lớn

Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã từng phát biểu rằng “Đất đai là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất”.

Mới đây tổng thanh tra chính phủ ký quyết định Số 763/QĐ-TTg về việc xác minh tài sản, lựa chọn ngẫu nhiên 56 cá nhân ở các cấp trưởng phòng, cục trưởng vụ trưởng và tương đương để xem“Quyền sử đụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác…có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên” có khác với việc kê khai trước đó hay không?

Điều này có thể rất dễ giải quyết nếu như Đảng quyết tâm bịt hai lỗ hổng cực lớn là đẩy mạnh xây dựng Hệ thống Thông tin Quốc gia về Đất đai và thông qua Luật thuế tài sản.

Hệ thống Thông tin quốc gia về đất đai thì đã có từ trong Luật đất đai năm 2013 nhưng chưa được phát triển và Luật thuế tài sản thì đã được Bộ Tài Chính đã đưa ra dự thảo từ năm 2008 nhưng không thể trình ra Quốc hội vì các “ý kiến trái chiều”.

Nhiều người cho rằng vì hầu hết đất đai và nhà cửa đầu cơ hiện tại là của quan chức cho nên hai công cụ mang lại tính minh bạch này chưa được ưu tiên phát triển, tạo nên hai lỗ hổng rất lớn trong việc thực thi đồng bộ chính sách đất đai và chống tham nhũng.

Nếu như hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được vận hành liên thông giữa các cơ quan nhà nước, và công khai tại một số website cho người dân tìm hiểu, quản lý, thì chắc chắn sẽ làm rõ được chủ của từng mảnh đất tại từng địa chỉ cụ thể, và tất cả tài sản của quan chức sẽ “hiện lên màn hình”.

Do đó, để có thể tạo được chuyển biến trong công cuộc “đốt lò”, phòng chống tham nhũng thì phải kiên quyết triển khai ngay Chương VII, từ Điều 163 đến Điều 167 để phát triển hệ thống thông tin đất đai, minh bạch hoá, chia sẻ rộng rãi cho dân chúng biết. Đồng thời, khẩn trương ban hành luật Thuế Tài sản.

Nếu không, việc thông qua Luật Đất đai lần này vẫn chỉ là một cuộc đổi chác, tạo ra một chốn làm ăn tù mù của tất cả các nhóm lợi ích, nơi “Quần ngư thanh thực” giữa các bên “xây và chống” mà không tạo ra được một động lực cơ bản nào cho nền kinh tế quốc dân.

  • 16x9 Image

    Lê Quốc Quân

    Lê Quốc Quân là một luật sư Nhân quyền.

    Được đào tạo chính quy về Luật pháp và từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông có tham gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển tại Việt Nam được tài trợ bởi World Bank, ADB và UNDP.

    Ông viết Blog và tự nhận mình là một con “Ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước” nhưng hậu quả là ông bị tước giấy phép hành nghề luật và ngồi tù 3 lần.

    Ra tù ông vẫn tha thiết với việc nước và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người. Ông tham gia viết về nhiều đề tài nhưng tập trung vào Chính trị và Luật pháp của Việt Nam.

    Các bài viết của Luật sư Quân là Blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG