Đường dẫn truy cập

Hà Nội – Jakarta: Dang dở một thao tác chiến lược


TT Jokowi hội đàm với “Tam trụ” ĐCSVN trong 3 ngày ở Hà Nội, không có ông Trọng, giữa tin đồn về sức khoẻ của nhà lãnh đạo cao tuổi.
TT Jokowi hội đàm với “Tam trụ” ĐCSVN trong 3 ngày ở Hà Nội, không có ông Trọng, giữa tin đồn về sức khoẻ của nhà lãnh đạo cao tuổi.

TT Jokowi hội đàm với “Tam trụ” ĐCSVN trong 3 ngày ở Hà Nội. Ông không được TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp xã giao, giữa bối cảnh có tin đồn về sức khỏe của ông Trọng. Phải chăng do những bất khả kháng về lễ tân, hai nước vẫn còn dang dở một thao tác nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”?

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam, từ 11 đến 13/01/2024, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 12/1/2024 đã hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.

Lãnh đạo hai nước thảo luận vấn đề an ninh ở Biển Đông và dự án đầu tư của hãng xe ô tô điện VinFast tại Indonesia. Theo VOV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí rằng trên cơ sở các thành tựu hợp tác to lớn gần 70 năm qua, cần sớm đưa quan hệ “Đối tác Chiến lược” giữa hai nước lên tầm cao mới. Phải chăng vì những bất khả kháng về lễ tân, “thao tác chiến lược” ấy vẫn còn chưa được công bố nhân dịp chuyến thăm vừa qua?

Trong ASEAN, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia. Bất chấp dịch bệnh

Covid-19, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng tích cực (từ 9 tỷ USD năm 2019 lên gần 14 tỷ USD năm 2023) (1).

Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo cũng đã có các cuộc tiếp xúc riêng với các “nhị trụ” còn lại trong elites lãnh đạo của ĐCSVN là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Với Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 13/1 tại Hà Nội, Tổng thống Widodo đã có cuộc ăn sáng, làm việc, sau đó đã đồng chủ trì “Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam –Indonesia”. Trao đổi về một số phương hướng hợp tác lớn trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; sớm xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2024 – 2028. Trên cơ sở các thành tựu hợp tác to lớn gần 70 năm qua, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng-an ninh, hợp tác biển; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia (2).

Trưa 13/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo rời Hải Phòng, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Một chủ đề quan trọng của cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ là an ninh hàng hải. Sau 12 năm đàm phán, hai nước đã kết thúc đàm phán về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước tại khu vực quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Trước khi Widodo sang Hà Nội, Jakarta khẳng định sẵn sàng cùng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á khác để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bị trì hoãn lâu nay. Giáo sư Goldenziel ngày 27/12/2022 đã đánh giá trên trang Forbes, thỏa thuận Indonesia – Việt Nam có thể là khuôn mẫu cho các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc và là bước tiến tới mặt trận Đông Nam Á thống nhất chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng nhận định tương tự, rằng Trung Quốc cũng không hài lòng về thỏa thuận Indonesia – Việt Nam, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán trong khuôn khổ ASEAN, đặc biệt là về COC. Trung Quốc vốn muốn ngăn cản và chia rẽ các nước ASEAN, vì vậy Trung Quốc sẽ tìm cách can thiệp vào hiệp định này (3).

Cũng trong bài viết nói trên, giáo sư Goldenziel còn cho rằng thỏa thuận về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia có thể góp phần giúp Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc trong khu vực. Theo giáo sư Goldenziel, Hoa Kỳ nên làm việc với Indonesia và Việt Nam để chốt lại thỏa thuận, nhằm hỗ trợ chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU Fishing), đồng thời khẳng định luật pháp ở Biển Đông. Giáo sư Goldenziel khẳng định: “Hoa Kỳ sẵn sàng hành động để hỗ trợ Indonesia và Việt Nam giúp cho thỏa thuận thành công. Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong Đạo luật An toàn Hàng hải của Hoa Kỳ, một phần trong Chiến lược Quốc gia của Hoa Kỳ về chống khai thác IUU. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để chống đánh bắt cá bất hợp pháp (4).

Chuyến thăm chính thức Hà Nội của Tổng thống Jokowi là một phần trong đợt công du dài ngày ở Đông Nam Á, bao gồm cả các trạm dừng chân trước đó tại Philippines và chuyến thăm dự kiến tới Brunei vào cuối tuần này, trước cuộc bầu cử ở Indonesia vào tháng tới. Tại các cuộc hội đàm và hội kiến với “Tam trụ” của ĐCSVN trong ba ngày ở Hà Nội, trái với thông lệ, Tổng thống Jokowi trước đó đã không lên kế hoạch gặp Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, giữa bối cảnh có những tin đồn về sức khỏe của nhà lãnh đạo cao tuổi. (5). Mới có mấy ngày ông “Chủ Lò” vắng mặt mà dư luận đã ồn ào, đủ thấy vị thế của đồng chí Tổng bí thư bao trùm tới cỡ nào. Các hãng tin phương Tây đã có ngay một số bài giải thích chuyện ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt, không tiếp các đoàn khách quốc tế quan trọng là “do vấn đề sức khỏe”. Thận trọng là đúng để đề phòng tin thất thiệt. Nhưng sự vắng mặt hơn chục ngày qua của Tổng bí thư không chỉ dang dở một thao tác chiến lược với Indonesia… mà còn báo trước một “mùa giông bão” trên chính trường Ba Đình.

Tham khảo:

(1) https://vov.vn/chinh-tri/nhat-tri-som-dua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-indonesia-len-tam-cao-moi-post1071209.vov

(2) https://hanoimoi.vn/dua-kim-ngach-thuong-mai-viet-nam-indonesia-o-muc-18-ty-usd-truoc-nam-2028-655749.html

(3) https://www.forbes.com/sites/jillgoldenziel/2022/12/27/indonesia-vietnam-boundary-settlement-can-help-us-counter-china/

(4) https://nghiencuuquocte.org/2023/02/22/thoa-thuan-viet-nam-indonesia-mot-huong-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong/

(5) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/indonesias-jokowi-visits-vietnam-talk-south-china-sea-security-trade-2024-01-12/

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG