Đường dẫn truy cập

Lũ lụt ở Châu Á là tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quy hoạch đô thị


ADB cho biết 400 triệu người ở các thành phố châu Á có thể gặp nguy cơ hứng chịu ngập lụt ở vùng bờ biển, trong khi 350 triệu người đối mặt với các trận lụt trong đất liền trước năm 2050
ADB cho biết 400 triệu người ở các thành phố châu Á có thể gặp nguy cơ hứng chịu ngập lụt ở vùng bờ biển, trong khi 350 triệu người đối mặt với các trận lụt trong đất liền trước năm 2050
Những trận lụt gần đây ở thủ đô một số nước châu Á là lời cảnh báo cho các nhà quy hoạch thành phố sẽ còn những vấn đề tồi tệ hơn sắp tới. Ngân hàng Phát triển Châu Á nói rằng quá trình đô thị hóa nhanh đang làm cho cơ sở hạ tầng của thành phố trở nên quá tải, khiến ô nhiễm trầm trọng hơn và cuộc sống hàng triệu người ở châu Á gặp nguy. Từ Bangkok, Thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường trình sau đây.

Những cơn mưa mùa lớn trong tháng này đã khiến một phần ba thủ đô Manila của Philippines ngập trong nước.

Vào tháng Bảy, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chứng kiến trận lụt tồi tệ nhất trong 60 năm.

Và năm ngoái, một phần thủ đô Bangkok của Thái Lan bị nhận chìm bởi cơn lũ lịch sử làm thiệt mạng hơn 800 người.

Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Changyong Rhee cho biết mặc dù thảm họa có liên quan đến thời tiết khá phổ biến ở châu Á, tuy nhiên đó không phải là điều may rủi.

Ông Rhee nói: "Thiên tai thế này, đặc biệt là lũ lụt ở châu Á, là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố như nguy cơ ngày càng tăng của sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng và ồ ạt ở châu Á mà lại không có cơ sở hạ tầng phù hợp."

Ông Rhee đã có buổi nói chuyện với Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Thái Lan về việc công bố một nghiên cứu của ADB có tiêu đề "Quá trình đô thị hóa xanh ở châu Á."

ADB nói rằng lượng khí thải carbon, được cho là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, ở các thành phố châu Á tăng nhanh hơn năm lần so với mức trung bình của thế giới và được dự báo sẽ tăng gấp ba vào năm 2050.

Tăng trưởng kinh tế bùng nổ ở châu Á, dù đưa nhiều người ra khỏi đói nghèo, đang khiến hàng triệu người đổ về các thành phố để tìm công việc tốt hơn.

ADB nói châu Á hiện nay tập trung hơn phân nửa số siêu đô thị của thế giới, những thành phố với dân số hơn 10 triệu và với 60% cư dân sống trong những khu ổ chuột trên toàn cầu.

Năm 1950, chỉ có hai siêu đô thị trên thế giới là New York và Tokyo nhưng bây giờ thì là 23 siêu đô thị, 12 trong số đó nằm ở châu Á.

Ông Rhee cho biết các nhà quy hoạch thành phố đang loay hoay với hệ thống cơ sở hạ tầng còn kém cỏi và tạo ra một lực lượng cư dân khu ổ chuột ngày càng đông và dễ gặp nguy.

Ông Rhee nói tiếp: “Tin xấu là càng đô thị hóa thì mối nguy càng tăng. Vì sao? Bởi vì với quá trình đô thị hóa, sẽ có nhiều người hơn sống trong khu ổ chuột ở đô thị. Họ sống trong một khu vực chứa nhiều rủi ro. Và, vì thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp nên họ phải chịu rủi ro này.”

ADB cho biết dân số châu Á dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong đất liền dự kiến sẽ đạt đến con số 350 triệu người đến năm 2025.

Những người dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển sẽ tăng lên đến 400 triệu người.

Để đối phó với thách thức, ADB nói rằng các thành phố cần phải tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy hoạt động quy hoạch và công nghệ thân thiện với môi trường, cũng như tăng cường tính hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng.

Ông Rhee nói bước quan trọng nhất là xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng.

Ông nói rằng sự xuất hiện của các thành phố vệ tinh gần những siêu đô thị ở châu Á tạo ra cơ hội cho việc kết hợp các khái niệm "xanh" vào tiến trình quy hoạch ngay từ bước đầu.

Bão lụt ở Trung Quốc, Philippines

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG