Đường dẫn truy cập

LS Hoàng Việt: Tòa quốc tế có thể phán quyết gián tiếp về đường lưỡi bò


Đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày mai, 12/7, Tòa Trọng tài của Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết về khiếu nại của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Luật sư Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông, hiện đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng có thể tòa sẽ ra phán quyết gián tiếp về đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Cách đây 3 năm, Philippines đã khiếu nại lên tòa trọng tài tại La Haye về các cơ sở pháp lý mà Trung Quốc sử dụng để đặt ra đường lưỡi bò cũng như tuyên bố chủ quyền về hầu hết Biển Đông.

Việt Nam không trực tiếp tham gia vụ khiếu nại, cũng không thể hiện rõ quan điểm cùng đứng về phía Philippines. Trong các tuyên bố ngoại giao, Hà Nội đề nghị tòa trọng tài “quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam”, cũng như kêu gọi tòa ra phán quyết “công bằng và khách quan”.

Trong khi đó, Bắc Kinh ngay từ đầu đã khẳng định sẽ không công nhận phán quyết của tòa.

Vài tuần gần đây, nhiều nhà quan sát dự báo tòa sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines và bất lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Luật sư Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có cách nhìn nhận thận trọng hơn.

Do Manila đưa ra 15 điểm để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nên tòa sẽ đưa ra những phán quyết về từng vấn đề riêng rẽ. Trong số đó, nhiều người quan tâm nhất đến phán quyết về đường lưỡi bò mà Trung Quốc nêu ra trên bản đồ, khoanh lấy gần hết Biển Đông. Luật sư Hoàng Việt đưa ra ý kiến của ông với VOA về vấn đề này như sau:

“Cái vấn đề đường lưỡi bò là cái vấn đề nó đầy rắc rối về mặt luật pháp cho nên là cũng có khả năng là tòa sẽ đưa ra phán quyết nhưng tòa ra phán quyết một cách gián tiếp, chứ không đưa ra một cách trực tiếp rằng là đường lưỡi bò này là trái với Công ước Luật biển và nó sẽ vô giá trị. Mà có khả năng tòa sẽ đưa ra những cái ý kiến chẳng hạn như là phải dựa theo luật thì trong trường hợp này cái đường lưỡi bò nó không rõ là cái gì cả. Cho nên có khả năng là tòa sẽ tuyên rằng nó không có rõ ràng. Hoặc là tòa sẽ đưa ra một cái tuyên bố trung tính hơn là tất mọi cái yêu sách đều phải tuân thủ Công ước Luật biển”.

Nếu quả thực tòa ra phán quyết gián tiếp về đường lưỡi bò, tác động đến Việt Nam sẽ không thuận lợi, trong khi đó sẽ không ảnh hưởng gì đến Trung Quốc. Luật sư Hoàng Việt nói rõ hơn:

“Nếu mà tòa không bác bỏ đường lưỡi bò, hoặc là bác bỏ một cách gián tiếp, thì Trung Quốc có thể vẫn cho rằng đường lưỡi bò của họ không có bị ảnh hưởng gì trong phiên tòa này và như vậy là những yêu sách, những cái hành động của họ nói chung là không bị ngăn chặn nhiều. Như vậy thì rõ ràng rằng Việt Nam sẽ có hại rồi”.

Vấn đề thứ hai được các bên có tranh chấp ở Biển Đông và cộng đồng quốc tế quan tâm là quy chế pháp lý của các thực thể ở vùng biển. Luật sư Hoàng Việt phân tích rằng nếu tòa phán quyết các thực thể chỉ là đá hoặc là bãi lúc chìm lúc nổi, điều này sẽ có lợi cho Việt Nam đồng thời sẽ thu hẹp những tranh chấp và những vấn đề còn tranh cãi. Theo ông, với một phán quyết như vậy, Trung Quốc không thể căn cứ vào việc chiếm một thực thể rồi “tuyên bố chủ quyền hoặc những quyền được sinh ra ở vùng biển theo Công ước Luật biển được”. Tuy nhiên, ông thận trọng cảnh báo:

“Nếu tòa tuyên được rõ ràng vấn đề này thì điều này có lợi cho Philippines và đương nhiên có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tòa không làm rõ vấn đề này hoặc lảng tránh, thì những cái yêu sách, những cái vấn đề của Trung Quốc nó cũng sẽ tiếp tục mà Trung Quốc có thể nêu ra với thế giới là Trung Quốc không có gì sai. Tòa đã không có phản bác gì với quan điểm của Trung Quốc”.

Theo kế hoạch, phán quyết cụ thể của tòa trọng tài như thế nào sẽ được công bố trong vài giờ nữa. Các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng về mặt lý thuyết, phán quyết của tòa có tính ràng buộc, nhưng lại không có một cơ quan nào tồn tại để bắt buộc các bên thực thi phán quyết.

Điều các nước lo ngại lúc này là bất chấp phán quyết thế nào, Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động quân sự và xây dựng ở các thực thể họ chiếm đóng để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ.

Tòa trọng tài quốc tế có thể phán quyết gián tiếp về đường lưỡi bò
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:24 0:00
XS
SM
MD
LG