Đường dẫn truy cập

Lo ngại về sự sụt giảm trữ lượng cá tại vùng duyên hải Châu Á.


Ngư dân đánh bắt cá gần bờ
Ngư dân đánh bắt cá gần bờ
Cuộc chạy đua để nuôi sống số dân Châu Á ngày càng gia tăng đã dẫn tới tình trạng nguồn cá bị khai thác quá mức tại những vùng biển trên khắp Thái Bình Dương. Trữ lượng cá gần bờ sụt giảm, và ngư dân tìm cách gia tăng số cá thâu hoạch với các kỹ thuật có thể mang lại những hậu quả tai hại cho khả năng tái sinh sản của các sinh vật biển.

Tại thị trấn ngư nghiệp Sindangan ở miền nam Philippines này, người ta trông thấy một quang cảnh ngày càng trở nên quen thuộc trên khắp Châu Á, là giá cá tăng cao và số cá thu hoạch bị sụt giảm.

Một ngư dân ở đây nói rằng việc có thêm nhiều thuyền đánh cá đang làm cạn kiệt nguồn cá có thời rất phong phú tại vùng này.

Trên khắp Biển Đông, các mẻ cá đánh bắt gần bờ đã sụt giảm từ thập niên 1980, khiến ngư dân phải đánh bắt xa bờ với các tầu lớn hơn.

Giới chức ngư nghiệp Liên Hiệp Quốc Benjamin Francisco nói rằng, khi các mẻ cá sụt giảm, ngư dân phải cố sức tìm kiếm những phương cách để gia tăng sản lượng của họ.

Có một số phương cách rất có hại – như sử dụng lưới mắt nhỏ, dùng chất nổ để đánh bắt … hoặc dùng những ngư cụ khác để đánh bắt những loại cá còn nhỏ hoặc cá đang mang trứng chờ sinh nở.

Những phương cách như vậy làm giảm đi khả năng tái sinh sản của một số chủng loại. Để giải quyết vấn đề này, ông Francisco đã quảng bá một hệ thống giấy phép để hạn chế số tầu đánh cá trên biển.

Các đoàn tầu đánh cá Châu Á vẫn còn là lớn nhất thế giới – chiếm khoảng 3 triệu trong 4 triệu tàu đánh cá trên thế giới. Và trong hầu hết các thống kê những con số đó đang gia tăng.

Tại Hồng Kông, có những nỗ lực lớn hơn để quản lý các đoàn tầu, cấm đánh cá bằng lưới vét gần bờ và chi tiêu hơn 200 triệu đô la để gia tăng lượng cá bắt được của các ngư dân hoạt động qui mô nhỏ.

Ông Tô Bình Dân của Sở Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn sinh thái Hồng Kông lạc quan về ảnh hưởng những nỗ lực này. Ông nói:

“ … giá trị của các mẻ đánh bắt cho mỗi đơn vị nỗ lực sẽ gia tăng – gần gấp đôi trong khoảng thời gian 25 năm.”

Các biện pháp của Hồng Kông khá tốn kém và vượt khỏi tầm tay các nước khác tại Châu Á. Ông Francisco giải thích:

“Những vấn đề này bắt rễ sâu xa trong tình cảnh nghèo khó, chính quyền địa phương không đủ khả năng đáp ứng ngay, vì không đủ ngân quỹ. . .”

Người đứng đầu công tác quản lý nguồn cá của thị trấn Sindangan, bà Julie Buot, nói rằng hầu hết các ngư dân ở đây dùng lưới mắt nhỏ – một loại ngư cụ đã bị cấm trong nhiều năm nay bởi vì nó bắt cá rất nhỏ.

Ông Wilfredo Ortega nuôi một gia đình có chín người con bằng nghề đánh cá cỡ nhỏ. Trong lúc gió mùa bắt đầu làm biển động, ông Ortega đã đi biển hồi sáng sớm và vào bờ với một mẻ cá chỉ đáng giá nửa đô la. Ông nói:

“Vào những tháng này, công việc làm ăn thật khó khăn. Chúng tôi chỉ có thể để dành chút tiền trong những tháng 11, 12, và tháng Giêng, chúng tôi có thể để dành tiền bằng cách đánh bắt những con cá mòi nhỏ.”

Những cá mòi nhỏ này có thể nuôi sống gia đình Ortega bây giờ, nhưng những mẻ cá mà ông bắt được hôm nay có nghĩa là mai đây số cá lớn sẽ còn ít hơn nữa – và một tương lai bất trắc hơn đang chờ đón những người phải dựa vào nghề cá để kiếm sống.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG