Tại cuộc mít tinh để cám ơn người ủng hộ gần Fort Bragg, căn cứ lục quân lớn nhất của Mỹ ở bang North Carolina, Tổng thống đắc cử Donald Trump giới thiệu người ông tiển cử vào vị trí bộ trưởng quốc phòng và ông kêu gọi chấm dứt chính sách đối ngoại mà ông miêu tả là “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực.” Phát biểu đó lập tức được một số chuyên gia diễn giải như là chỉ dấu của một chính sách “không can thiệp” vào các vấn đề thế giới. Tuy nhiên theo tường trình của thông tín viên Masood Farivar của đài VOA thì các chính sách ngoại giao của ông Trump còn đang được hình thành, và đang có khá nhiều vấn đề mâu thuẫn.
Trong khi tiếp tục cuộc hành trình để tri ân những người ủng hộ trên khắp nước sau khi đắc cử, ông Donald Trump trở lại với hai chủ đề ông thường nêu lên trong quá trình vận động tranh cử.
Ông Trump nói: "Chúng ta sẽ thôi ra sức lật đổ chế độ cầm quyền ở các nước mà chúng ta chẳng hiểu tí gì về họ và chúng ta chẳng nên dính líu vào. Thay vào đó chúng ta phải tập trung vào mục tiêu là tiêu diệt khủng bố và đánh bại ISIS, chúng ta sẽ thành công."
Đám đông người ủng hộ nồng nhiệt hoan nghênh khi ông Trump giới thiệu nhân vật được đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, Tướng hồi hưu James “Mad Dog” Mattis. Ông Trump lập lại một lời hứa khác trong khi tranh cử, là xây dựng lại quân đội “đã rệu rạo” của Mỹ.
Nhưng tổng thống tân cử hình như cũng giang một cánh tay với các thành viên NATO đang lo lắng về phát biểu chỉ trích cay độc của ông khi tranh cử rằng họ là những người không chia sẻ gánh nặng tài chính, mà chỉ hưởng lợi miễn phí.
Ông Trump nói: "Chúng ta không quên rằng chúng ta mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn truyền thống, và kết thêm bạn hữu mới."
Hứa hẹn của ông Trump sẽ chấm dứt “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực” khiến một số nhà quan sát xem như một ám chỉ chính sách ngoại ngoại không can thiệp. Nhưng theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Michaeol O’Halon, thì phân tích như vậy là quá đơn giản hóa vấn đề.
Ông O'Halon nói: "Theo tôi chính sách đối ngoại sẽ tùy thuộc vào từng khu vực. Ví dụ như ông Trump nói rằng ông muốn đánh bại ISIS. Phát biểu đó theo tôi không có vẻ gì là không can thiệp."
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên công kích đối thủ Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ vì đã ủng hộ chính sách can thiệp quân sự vào Iraq và Libya – những chính sách mà ông quy là đã gây ra bất ổn và tạo điều kiện cho khủng bố trong khu vực.
Thay vì can thiệp quân sự ở quy mô lớn, ông Trump ủng hộ chiến thuật tấn công nhanh và ở quy mô giới hạn trong cuộc chiến chống ISIS.
Chuyên gia O’Hanlon của Viện nghiên cứu Brookings nhận định:
"Nói một cách khác, chiến lược đó dựa nhiều hơn vào những cuộc tấn công cụ thể, phá hủy những mục tiêu nhất định, và giới hạn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thực địa."
Tướng Mattis được ông Trump đề cử làm bộ trưởng quốc phòng là một nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược, dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về NATO. Đó là một chỉ dấu trấn an những người lập chính sách đối ngoại và các đồng minh.
Ông O’Hanlon nói: "Trong một tháng kể từ khi đắc cử, ông Trump đã kìm hãm thái đội coi thường trước đó của đối với nhiều đồng minh và ông thực sự cũng thận trọng hơn trong mọi thông điệp mà ông gởi đi, nhất là trong việc chọn Tướng Mattis lãnh đạo Ngũ giác đài."
Nhưng ông Trump cũng chọn một số nhân vật khác theo quan điểm diều hâu cho các chức vụ quan trọng. Và trong lúc chỉ còn hơn một tháng nữa là đến lễ nhậm chức tân tổng thống của ông, các chuyên gia nói rằng chính sách đối ngoại của ông vẫn còn trong quá trình hình thành.