Sau một chiến dịch tranh cử đầy “cay đắng”, khi hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton và Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục dùng những câu chuyện đời tư để công kích lẫn nhau, ông Trump đã giành chiến thắng với đa số phiếu của cử tri đoàn.
Mặc dù tới ngày 20/1 năm sau ông Trump mới chính thức nhậm chức, nhưng “sóng gió” đã nổi lên với khởi điểm là những cuộc biểu tình phản đối trên khắp cả nước. Một người biểu tình nói: “Tôi đôi khi cảm thấy thất vọng sau bầu cử, nhưng lần này, thì tôi cảm thấy kinh hãi.”
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viên Paul Ryan - người được đề cử thêm một nhiệm kỳ nữa, phát biểu: “Chào mừng bình minh của một chính phủ mới đoàn kết của Đảng Cộng hòa. Thật vinh hạnh khi được phát biểu như vậy. Đây sẽ là một chính phủ quyết tâm chuyển thắng lợi của tổng thống tân cử Donald Trump thành những tiến bộ thực sự để phục vụ nhân dân Hoa Kỳ. Ê-kíp của chúng tôi rất háo hức và quyết tâm xắn tay lên làm việc để thực hiện mục tiêu của mình.”
Hiện nay, ông Trump đang vấp phải phản ứng của Đảng Dân chủ về những đề cử vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền mới. Cụ thể, Đảng Dân chủ cho rằng quyết định của ông Trump chọn ông Steve Bannon làm cố vấn chính trị cao cấp của ông là một khởi đầu tệ hại. Ông Bannon là người từng có những phát biểu kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, bài Do Thái, chống những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, tại Đại học Maine – Hoa Kỳ, hiện vẫn còn quá sớm để nhận xét xem liệu ông Trump có thể làm được những gì trên cương vị Tổng thống. Vẫn theo học giả này, Tổng thống tân cử Trump vẫn còn bối rối và ê-kíp của ông chưa được kiện toàn.
Giáo sư Long nói: “Những cái gì ổng đã nói thì tôi thấy nhiều chuyện ổng sẽ khó có thể làm được là bởi vì không những ổng sẽ có sự chống đối ở trong Đảng Cộng hòa mà cũng sẽ có sự chống đối của Đảng Dân chủ trong nhiều việc. Và một phần nữa, những việc ông ấy làm nhiều cái rất mâu thuẫn là bởi vì chẳng hạn như ổng muốn bỏ tiền ra nhiều cho quốc phòng, nhưng đằng khác ổng cũng muốn chi nhiều cho xây cất, mà như vậy thì ổng sẽ lấy tiền đâu trong khi ổng muốn cắt thuế.”
Giáo sư Long nhận định, với việc cắt thuế mà chủ yếu cho giới giàu, tầng lớp người dân có thu nhập từ 120-400 ngàn đôla sẽ bị thiệt thòi nhiều. Đây có thể coi là những người ở tầng lớp trung lưu tốp trên và họ sẽ phản ứng.
Giáo sư Long cho biết thêm, những người tham gia biểu tình chống ông Trump trong những ngày qua có thể là những người ủng hộ phe Dân chủ hoặc ông Bernie Sander thì họ bực tức, nhưng những điều đó không nguy hiểm bằng việc thất hứa trước những người công nhân, nông dân.
Giáo sư Long nói: “Tôi thấy những việc như ổng muốn đem những công việc về cho công nhân Mỹ mà những công việc đó khó có thể đem về được. Thành ra vấn đề quan trọng là phải làm sao cho người Mỹ có một ngành giáo dục tốt, một ngành y tế tốt, mà ổng lại chống. Nếu chống lại chuyện đó thì cái thành phần bây giờ đang nghèo thì họ không thể tiến lên được. Mà không tiến lên thì sự bất mãn của họ hay sự phản ứng của họ đối với ông Trump, và có thể là đối cả với những người bảo thủ trong Đảng Cộng hòa trong những năm tới.”
Không chỉ đối mặt với việc bổ sung 4.000 vị trí nhân sự trong Tòa Bạch Ốc và các vấn đề khác trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, ông Trump còn phải xử lý tin đồn tiến cử con rể Jared Kushner tham chính. Người phát ngôn của ông Trump, bà Hope Hicks từng nói với AP hồi đầu tuần này rằng nhóm chuyển giao quyền lực sẵn lòng ủng hộ ông Kushner tham gia chính phủ.
Thông tin trên khiến một số người lo ngại tình trạng “gia đình trị” sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump bởi luật pháp Hoa Kỳ cấm bổ nhiệm người thân vào các vị trí trong nội các liên bang nhưng các chuyên gia pháp lý cho biết, hình như luật này không được áp dụng cho nhân viên Tòa Bạch Ốc và luật này cũng chỉ áp dụng đối với các nhân viên được trả lương. Trong khi đó, ông Kushner đã ám chỉ rằng ông sẽ không nhận lương cho bất kỳ công việc nào trong Tòa Bạch Ốc.