Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói tình hình di dân và người tị nạn tại châu Âu là một “cuộc khủng hoảng về sự đoàn kết trên thế giới”.
Ngày thứ Bảy, ông Ban đến thăm trung tâm tạm trú Cộng đồng Saint Egidio ở Rome nơi ông gặp người tị nạn và con cái của họ. Ông Ban mô tả những câu chuyện của người tị nạn rất đau lòng và ông nói thêm ông muốn cho họ “niềm hy vọng”.
Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cũng công nhận những thách thức các quốc gia Liên hiệp Châu Âu đang đối mặt, nhưng thúc đẩy các nước này chứng tỏ “sự lãnh đạo nhân ái” trong việc đón nhận người tị nạn trốn thoát chiến tranh, kỳ thị và đói khát tại quê nhà của họ.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày thứ Bảy, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu đặt quyền của người tị nạn lên trên những quan tâm bảo vệ biên giới các nước.
Chỉ trích kế hoạch của Liên hiệp Châu Âu trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chận phong trào tị nạn ồ ạt đổ xô đến châu Âu, Ân xá Quốc tế nói: “Trong khi nhiều người đang chết dần mòn thì các chính phủ lại tiêu hàng tỉ đô la để kiểm soát biên giới”.
Tuyên bố của Ân xá Quốc tế được đưa ra một ngày trước chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Đức Angela Merkel với một ngân khoản khoảng 3,4 tỉ đô la để giúp nước này hiện đang tiếp nhận 2 triệu người tị nạn, cộng thêm việc miễn visa nhập cảnh EU cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành nhanh chóng các cuộc thảo luận gia nhập EU.
Trong khi đó, ngày thứ Bảy bà Henriette Reker, ứng cử viên thị trưởng thành phố Cologne của Đức bị đâm vào cổ và bị thương nặng trong một vụ cảnh sát nói dường như là vì bà ủng hộ di dân.
Làn sóng di dân và người tị nạn vẫn tiếp tục với những xe buýt chở đầy người di cư đã bắt đầu tới Slovenia từ Croatia lần đầu tiên trong ngày thứ Bảy, sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Croatia vào nửa đêm ngày thứ Sáu.
Trong một diễn biến bi thảm khác, tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào ngày thứ Bảy, 12 di dân có lẽ đến từ Syria và Afghanistan, trong đó có 4 em bé và một trẻ sơ sinh, bị chết đuối ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến đảo Lesbos của Hy Lạp.
Cuộc khủng hoảng di dân đã làm hơn 3.000 người thiệt mạng trong năm nay khi họ cố gắng vượt biển Địa Trung Hải hay biển Aegean trong những chuyến đi nguy hiểm để có một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các nước Liên hiệp Châu Âu.