Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Âu Châu phải hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để ứng phó với vụ khủng hoảng di dân – làn sóng nhập cư vào Tây Âu lớn nhất kể từ thế chiến thứ hai.
Phát biểu ngày hôm nay tại Hạ viện Đức, bà Merkel nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là điểm qua cảnh chính của hầu hết những người di dân đi về hướng tây.
Bà Merkel cho rằng Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ phải làm việc chung với nhau để cải thiện điều kiện tại những nơi mà người di dân dùng làm điểm xuất phát.
Bà Merkel hôm nay sẽ dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu Châu tại Brussels để bàn về vụ khủng hoảng di dân.
Trong cuộc thảo luận với các đối tác Liên hiệp Âu Châu hôm thứ bảy, Hy Lạp cam kết mở 5 trung tâm làm thủ tục cho người di dân.
Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp nằm trên đường đi của những người di dân từ Trung Đông và Bắc Phi muốn tìm kiếm một tương lai tốt hơn ở Tây Âu.
Trung tâm tiếp nhận được gọi là “điểm nóng” đầu tiên ở Hy Lạp dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong vài ngày nữa tại thị trấn Mitilini trên đảo Lesbos.
Tuần trước, Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc hoan nghênh những nỗ lực của Liên hiệp Âu Châu để giúp đỡ cho các nước tuyến đầu, là những nước có đông người di dân tràn vào. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng các nước đó chớ nên biến “những điểm nóng” thành “những trung tâm tạm giam được nguỵ trang.”
Làn sóng di dân và tị nạn hiện giờ vẫn tiếp diễn, với hàng trăm người thực hiện những chuyến đi nguy hiểm vượt Địa Trung Hải mỗi ngày.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết để cho phép Liên hiệp Âu Châu và các nước khác lục soát và giam giữ những chiếc tàu bị nghi dính líu tới hoạt động buôn người trong vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Libya.