Các nhà lãnh đạo tại những khu vực của Libya do phe đối lập chiếm đóng thích gọi cuộc nổi dậy bắt đầu hôm 17 tháng 2 là một 'cuộc cách mạng'. Họ hy vọng thiết lập một thể chế dân chủ và pháp trị qua một bản hiến pháp mới.
Một giáo sư chuyên về luật tôn giáo tại trường Đại học Garyounis ở Benghazi, ông Osama el-Sallidi, nói rằng dưới chế độ cầm quyền của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, các cơ chế tôn giáo cũng bị kiểm soát y như sinh hoạt chính trị.
Vị giáo sư này nói rằng “vì thế mà trong tư cách một quốc gia, chúng tôi khao khát một quốc gia dân chủ, dân sự và hợp hiến. Không có chỗ cho một hệ thống mà một gia đình, hay một cá nhân nắm quyền kiểm soát mọi thứ”.
Đạo Hồi là một phần quan trọng trong sinh hoạt thường nhật ở Libya, như được chứng kiến qua hàng ngàn người tụ tập mỗi ngày thứ Sáu để cầu kinh tại trụ sở của phe đối lập ở Benghazi.
Một số quan sát viên lo ngại rằng các phần tử Hồi giáo quá khích sẽ lợi dụng khoảng trống quyền lực chính trị hiện thời và tiếp quản quốc gia non trẻ này. Ông El-Salladi không tin rằng điều đó sẽ xảy ra mặc dù ông nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ đống một vai trò trong việc xây dựng một quốc gia mới.
Ông Salladi nói đại đa số dân chúng ở Libya theo chủ trương trung dung và chỗ đứng dành cho chủ nghĩa cực đoan rất nhỏ và hạn chế. Nhưng khi tất cả mọi người đều tề tựu để quyết định về tương lai, thì đa số sẽ quyết định xã hội sẽ đi theo đường hướng nào.
Một người phát ngôn cho Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia đối lập, ông Mustafa Gheriani, nói rằng xã hội Libya đi theo con đường đạo Hồi của người Sunni và không có những chia rẽ phe phái đã dung dưỡng các phần tử cực đoan ở một số nước Hồi giáo.
Theo ông Gheriani, các phần tử cực đoan không có chương trình hành động. Xã hội Libya rất hòa nhập. Mọi người biết nhau. Không có chỗ cho các tay đánh bom tự sát. Và người Libya không sợ bọn chúng. Trong một thể chế dân chủ mọi người không sợ các quan điểm chính trị.
Một cố vấn chính trị cho hội đồng đối lập, giáo sư Zahi Mogherbi thì nói rằng tình trạng thiếu các quyền tự do cá nhân dưới chế độ của Gadhafi đã khích lệ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Giáo sư Mogherbi nói rằng một khi có được một xã hội cởi mở trong đó mọi người có quyền thảo luận các vấn đề công cộng, có quyền ra tranh cử vào các chức vụ, thì ông cảm thấy là điều đó sẽ làm nhẹ bớt và có thể xóa bỏ phần lớn các xu hướng cực đoan và quá khích.
Một nhà phân tích chính trị tại Học viện Nghiên cứu Sách lược Al-Ahram ở Cairo, ông Ziad Akl, nói rằng vì bản chất của chế độ Gadhafi, tôn giáo đã không đóng một vai trò quan trọng trong chính sự.
Ông Akl cho rằng loại thể chế độc tài mà ông Gadhafi đã lập ra không bị ảnh hưởng nhiều bởi tôn giáo về mặt chính trị mà chỉ bị ảnh hưởng về mặt xã hội nhiều hơn. Vì thế vai trò của các nhà lãnh đạo tôn giáo ngay lúc này –những người ủng hộ ông Gadhafi đang tìm cách huy động mọi người nhân danh chế độ và những người ủng hộ phe nổi dậy cũng tìm cách huy động dân chúng. Nhưng theo ông, tôn giáo không được sử dụng như một công cụ chính trị ngay lúc này. Tôn giáo được sử dụng như một sức mạnh huy động mọi người.
Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng vì tầm quan trọng của tôn giáo trong xã hội Libya, họ trông đợi tôn giáo sẽ đóng một vai trò lớn trong chính phủ và bất cứ bản hiến pháp mới nào. Còn phải chờ xem mức độ quan trọng ra sao.
Trong khi các lực lượng đối lập chống chọi với binh sĩ trung thành với nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya tại trung và tây bộ Libya, các nhà lãnh đạo đối lập đã thành lập một thẩm quyền lâm thời tại đông bộ và đang hoạch định dự thảo một hiến pháp mới. Một phần cuộc tranh luận xoay quanh vai trò của tôn giáo tại khu vực nặng về Hồi giáo của nước này. Thông tín viên VOA Scott Bobb đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác nhau và ghi nhận trong bài tường thuật từ Benghazi.