Phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Haq nói với các thông tín viên tại New York rằng thỏa thuận này có nhiều thành tố.
Ông nói :”Chúng tôi hiểu là chính phủ Libya đã đồng ý tạo điều kiện cho sự hiện diện nhân đạo tại Tripoli. Một trong những điều mà họ đồng ý là tạo điều kiện cho việc cung cấp các trang thiết bị cho nhân viên Liên Hiệp Quốc và cũng đồng ý với những biện pháp để cho phép nhân viên Liên Hiệp Quốc vào hai nơi này. Chính phủ Libya nói rằng họ sẽ bảo đảm để cho nhân viên Liên Hiệp Quốc từ Tunisia băng qua biên giới vào Lybia, đến Tripoli mà không bị ngăn trở, và nói rằng họ sẽ bảo đảm cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo đến được những nơi mà chính phủ Libya kiểm soát.”
Người đứng đầu về các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Valerie Amos đã có mặt tại Tripoli hôm thứ Bảy và Benghazi hôm Chủ nhật cùng với đặc sứ của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Libya, ông Abdel-Elah al-Khatib.
Phát ngôn viên của bà Amos, bà Stephanie Bunker, nói rằng thêm vào với chuyện cho phép nhân viên Liên Hiệp Quốc hiện diện nhân đạo tại Tripoli, bà Amos còn thảo luận với nhà chức trách Libya về chuyện có thể gửi một toán nhân viên Liên Hiệp Quốc đến thành phố Misrata bị bao vây để lượng định nhu cầu nhân đạo tại đó.
Bà nói: ”Chính phủ đã đồng ý và nói rằng sẽ làm bất cứ chuyện gì có thể làm để bảo đảm rằng phái bộ cứu trợ nhân đạo từ Tripoli có thể đến Misrata an toàn, và đó là diễn tiến hiện nay trong công việc của chúng tôi“
Bà cho biết Liên Hiệp Quốc dự tính gửi nhân viên đến Tripoli và rồi đến Misrata để lượng định xem ở đó cần những gì và không cần những gì.
Bước kế tiếp sau khi có được những thông tin đó rồi, phái bộ sẽ xem coi phải đưa những gì tới và làm sao để tiến hành công việc.
Bà Bunker cho biết Liên Hiệp Quốc đã có sẵn nhân viên tại Cairo, sẵn sàng đến Tripoli một khi được tiếp cận. Bà cho biết từ Tripoli họ sẽ có thể mau chóng đến được Misrata, chỉ trong vòng “vài ngày” nếu như thỏa thuận này được tôn trọng.
Liên Hiệp Quốc đã có hoạt động cứu trợ trong thành phố Benghazi ở miền đông do quân nổi dậy kiểm soát.
Trong khi có mặt tại Libya, người đứng đầu các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ông Amos, và đặc sứ Al-Khatib đã không thể thuyết phục được chính phủ Libya đồng ý ngưng chiến tại Misrata, là nơi mà bất chấp khu vực cấm bay do NATO thực thi, thành phố vẫn tiếp tục bị tấn công bằng trọng pháo và rốc kết.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi đóng góp 311 triệu đô la cho các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp tại Libya. Cho đến nay Liên Hiệp Quốc chỉ mới nhận được chưa đầy phân nửa con số đó.
Hôm thứ Hai, tại Budapest, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết Liên Hiệp Quốc đã đạt được một thỏa thuận với chính phủ của ông Moammar Gadhafi tại Libya để thiết lập sự hiện diện tại Tripoli vì lý do nhân đạo. Các giới chức Liên Hiệp Quốc cũng cho biết chính phủ của ông Gadhafi cũng hứa sẽ cho họ vào thành phố Misrata do quân nổi dậy chiếm giữ và hiện đang bị quân chính phủ bao vây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1