Đặc sứ LHQ về Syria Staffan de Mistrura hôm 2/1 gặp gỡ các đại biểu phe đối lập ở Geneva, sau khi đạt tiến bộ trong việc giải quyết một số vấn đề mà nhóm đối lập chính muốn xử lý trước cuộc hòa đàm.
Ông De Mistura đã sắp xếp lại lịch họp với các nhân vật chính phủ hôm 2 tháng 1 để hội đàm trước với phe đối lập.
Hôm 31/1, ông Misura nói ông "lạc quan và quyết tâm" rằng phe đối lập sẽ tham gia tiến trình hòa bình đã bắt đầu từ hôm 29/1. Các đại diện phe đối lập đã tẩy chay ngày họp đầu tiên.
Một phát ngôn viên phe đối lập Syria nói các cuộc thảo luận hôm 31/1 "đầy khích lệ và tích cực" về các vấn đề nhân đạo, đề cập đến yêu sách của phe này đòi chấm dứt không chiến vào thường dân và dỡ bỏ cuộc bao vây đang ngăn chặn viện trợ nhân đạo đến với những khu vực do quân nổi dậy nắm giữ.
Hồi đầu ngày, phe này nói họ có mặt ở Geneva để gặp các quan chức LHQ và không tham gia đàm phán, kể cả gián tiếp, với chính phủ của Tổng thống Basha al-Assad.
Cuộc hội đàm về các vấn đề khái quát có mục đích đặt nền móng cho đàm phán trực tiếp sau này.
Kế hoạch hiện nay là đặc sứ LHQ tham vấn riêng rẽ với từng bên và đi lại con thoi giữa hai bên để truyền lại các đề xuất và quan điểm.
Ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục chính phủ Syria và phe đối lập thúc đẩy cho việc chấm dứt cuộc xung đột gần 5 năm đã làm chết 250.000 người và làm hàng triệu người mất nhà cửa. Ông phát biểu:
"Tôi kêu gọi cả hai bên tận dụng nhiều nhất thời khắc này, nắm lấy cơ hội để đàm phán nghiêm túc, đàm phán thành tâm với mục tiêu đạt được tiến bộ cụ thể đo lường được ngay trong những ngày tới."
Phe đối lập do Ả rập Xê-út hậu thuẫn, có tên Hội đồng Đàm phán Cấp cao, đã họp ở Riyadh và đòi chính phủ Syria và quân Nga chấm dứt không kích vào thường dân, cũng như dỡ bỏ các cuộc bao vây, trước khi tham gia đàm phán.
Họ đã quyết định đến Thụy Sỹ chỉ sau khi được đảm bảo rằng những yêu sách của họ sẽ được lắng nghe.
Phái đoàn của chính phủ Syria đã buộc tội phe đối lập phá hoại cuộc hội đàm. Trưởng phái đoàn, ông Bashar Jaafari, nói:
"Những người đặt ra các điều kiện tiên quyết đến dự cuộc họp này là để làm nó bị 'trật ray' và không quan tâm đến đối thoại giữa những người Syria với nhau."
Nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo không được mời đến hòa đàm Geneva vì nhóm này cùng Mặt trận al-Nusra bị Liên Hiệp Quốc liệt vào dạng một tổ chức khủng bố.
Chính phủ của Tổng thống Assad coi mọi nhóm phiến quân muốn lật đổ ông Assad đều là khủng bố, nhưng đồng ý đối thoại khái quát với một số nhóm đối lập mà cộng đồng quốc tế công nhận là ôn hòa.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Syria nói hôm 31 tháng 1 rằng ông Assad sẽ không bao giờ chấp nhận việc mời các nhóm Ahrar al-Sham và Quân đội Hồi giáo tham gia.
Lời tuyên bố cho thấy khó khăn tiềm tàng đối với hội đàm vì nhiều người trong phe đối lập ôn hòa tin hai nhóm này cần được mời sau này, trong khi chính phủ Syria và bên hậu thuẫn của họ là Nga coi các nhóm này là những kẻ cực đoan mà Đa-mát không nên đàm phán.