Ngày thứ Bảy, các thành viên của tổ chức đối lập chính Syria đã đến Geneva nhưng hiện chưa rõ các thành viên của Thượng Uỷ ban Thương thuyết (HNC) do Ảrập Xêút hậu thuẫn có tham dự một cách trực tiếp trong cuộc hoà đàm do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria hay không.
Hôm qua, các giới chức Liên Hiệp Quốc đã khai mạc cuộc đàm phán tại Geneva, bất chấp sự vắng mặt của phái đoàn đối lập. Cuộc hoà đàm này là nỗ lực quốc tế mới nhất về một giải pháp hòa bình kể từ khi các cuộc thương thuyết do Liên hiệp quốc làm trung gian đổ vỡ vào năm 2014.
Cuộc đàm phán đã bắt đầu với một cuộc họp giữa Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, với một phái đoàn của chính phủ Syria do Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Bashar Ja'afari hướng dẫn.
Sau cuộc họp đó, ông Mistura nói ông hy vọng gặp gỡ các đại diện phe đối lập vào ngày Chủ Nhật.
Ông Mistura nói: “Tôi có nhiều lý do để hy vọng là họ đang xem xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh, và có lẽ tôi sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận với họ vào ngày Chủ Nhật để xúc tiến các cuộc thương thuyết giữa các phe phái tại Syria.”
Trước đó Thượng Uỷ ban Thương thuyết tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc thương thuyết vì Nga và Syria không ngưng không kích vào khu vực dân cư hoặc nới lỏng những vụ phong toả làm cho hàng cứu trợ không tới tay người dân.
Tuy nhiên, ngày hôm qua, liên minh đối lập này cho biết họ đã nhận được “những sự bảo đảm”, mà họ không nói rõ là gì, khiến họ quyết định cử một phái đoàn tới Geneva.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định quan trọng của Thượng Uỷ ban Thương thuyết của phe đối lập Syria tham gia các cuộc thương thuyết.”
Người Kurd rời Geneva
Đại diện của người Kurd Syria chiến đấu chống lại chính phủ Syria nói họ không được mời tham dự hội nghị Geneva và sẽ không tham gia các cuộc hòa đàm. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự tham dự của người Kurd Syria vì cho rằng những người này có liên hệ đến các chiến binh người Kurd chiến đấu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong 30 năm qua về quyền kiểm soát những khu vực có đông đảo người Kurd sinh sống tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc nội chiến gần 5 năm ở Syria đã giết chết khoảng 250.000 người và làm cho hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cuộc xung đột này cũng đã khai sinh tổ chức hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo và gây nên làn sóng đông đảo người tị nạn đổ xô đến Tây Âu.
Các cuộc giao tranh tại Syria đã gia tăng cường độ kể từ tháng 9 năm ngoái khi Nga bắt đầu các cuộc không kích để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, chống lại những nỗ lực của phe nổi dậy được Hoa Kỳ, một số thành viên Liên hiệp Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút ủng hộ.
Khung cảnh phức tạp này đã làm cho tiến trình hòa bình Syria đặc biệt khó khăn.
Với sự yễm trợ của Nga, các lực lượng Assad đã đạt được những thành quả đáng kể. Các nhà phân tích nói chính phủ ít muốn thương thuyết với phe đối lập yếu và manh mún.
Dù Liên minh đối lập đến tham dự các cuộc hòa đàm tại Geneva, nhưng các nhà phân tích tỏ ra bi quan. Ông Nadim Shehadi thuộc trường Luật và Ngoại giao Fletcher ở Boston cho rằng ít có cơ hội thành công.
Ông Shehadi nói: “Chúng ta đang làm áp lực lên phe đối lập để chứng tỏ rằng họ thống nhất, đoàn kết, có sự lãnh đạo mạnh mẽ, có tầm nhìn xa, và một chính sách và một sự đồng thuận chắc chắn về tương lai sẽ như thế nào. Và tôi không nghĩ họ có những điều này, tôi không nghĩ họ có những điều này trong tương lai gần, và tôi không nghĩ họ có thể làm được.”