Một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy các luật bảo vệ thông tin mật được chính phủ Úc áp dụng, trên thực tế đã hạn chế quyền tự do ngôn luận của các quan chức và giới hạn việc truy cập các thông tin của chính phủ.
Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, hôm thứ Ba 18/10, đã thúc giục Úc xem xét lại các luật bảo mật của nước này, trong đó có Đạo luật Bảo vệ Biên giới, nghiêm cấm các quan chức "tiết lộ trái phép" tình trạng tại một trại di trú trên đảo Nauru do Úc điều hành.
Ông nói: "Sở di trú đã đề ra những biện pháp nghiêm ngặt khác thường nhằm hạn chế những người trong nội bộ lên tiếng tố cáo, cấm công chức hoặc nhà thầu chia sẻ thông tin ở phạm vi công cộng về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong các trại tạm giam ở nước ngoài".
Theo luật này, bất kỳ "người được tín nhiệm", kể cả người trong nội bộ tố cáo các hành vi sai phạm, nhà thầu hoặc bác sĩ làm việc tại trung tâm tạm giam, có thể đối mặt với bản án hai năm tù giam nếu họ tiết lộ "thông tin được bảo vệ".
Luật này ra đời vào năm ngoái như một phần trong chính sách của Úc chuyển tất cả những người tị nạn tìm đến Úc bằng thuyền tới các đảo quốc gần đó là Nauru hoặc Papua New Guinea. Hiện tại có hơn 1.100 người tị nạn sống ở Nauru.
Trong chuyến thăm dài hai tuần tới Australia, ông Forst cho biết các quan chức đảm bảo với ông rằng chưa một ai bị buộc tội theo Luật Bảo vệ Biên giới, nhưng ông vẫn còn hoài nghi.
Trong một tuyên bố, ông nói: "Có thể là như vậy, nhưng việc luật đó tồn tại và hành động của chính phủ nhằm mục đích kiểm duyệt và đe dọa những người bênh vực người tị nạn đã có tác động tiêu cực đến việc tiết lộ thông tin về những vụ vi phạm trong các thủ tục đối với người tị nạn ở nước ngoài".