Đường dẫn truy cập

Ân xá Quốc tế: Úc đối xử với người tị nạn như ‘tra tấn’


Bà Anna Neistat, Giám đốc cấp cao đặc trách nghiên cứu của Ân xá Quốc tế, nói chuyện với các nhà báo trong khi đang giữ một bản sao của phúc trình tố cáo Australia cố tình gây thống khổ cho những người tị nạn, ở Sydney, Australia, 17/10/2016.
Bà Anna Neistat, Giám đốc cấp cao đặc trách nghiên cứu của Ân xá Quốc tế, nói chuyện với các nhà báo trong khi đang giữ một bản sao của phúc trình tố cáo Australia cố tình gây thống khổ cho những người tị nạn, ở Sydney, Australia, 17/10/2016.

Một phúc trình mới của tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế nói Australia đối xử với người xin tị nạn tệ đến mức như tra tấn chiếu theo luật quốc tế. Khoảng 1.200 người tìm đường tị nạn bị cưỡng buộc chuyển đến một trung tâm xử lý ngoài khơi trên đảo Nauru ở Thái Bình Dương. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tường trình từ London rằng hội Ân xá Quốc tế phỏng vấn những người xin tị nạn và những người làm việc cho các công ty nhận hợp đồng quản lý các trại tị nạn đó tự nguyện tố cáo.

Phúc trình của hội Ân xá Quốc tế đã dùng những từ ngữ thẳng thắn tố cáo Australia cố tình gây thống khổ cho những người tị nạn.

Bà Audrey Gaughran đặc trách các vấn đề toàn cầu của tổ chức nhân quyền này. Bà nói:

"Họ đã chọn cách đối xử tàn nhẫn không tả xiết với phụ nữ, đàn ông và trẻ em ở trại tị nạn trên đảo Nauru như là một cách thực thi chính sách ngăn chặn thuyền nhân đến Australia."

Tổ chức nhân quyền này nói rằng nhiều người tị nạn bị ảnh hưởng đến tâm thần. Họ cũng nghi nhận được những trường hợp tự làm đau mình hay tự vẫn.

Bà Gaughran: "Đó là một trại tù mở và những người tị nạn không rời khỏi đó được. Chúng tôi ghi nhận được những trường hợp tấn công bạo lực, những vụ tấn công tình dục, nhiều trường hợp ngã bệnh và không được chữa trị. Nhiều cảnh ngộ rất thương tâm khi nhìn thấy những người làm cha mẹ bất lực nhìn con cái của họ chịu đựng đau khổ."

Ngay cả những người có đơn xin tị nạn được chấp thuận ở Australia cũng bị cưỡng buộc ở trên đảo Nauru. Trong số đó có bà Eli, một người hoạt động cho nhân quyền đã được cấp quy chế tị nạn. Bà Eli nói:

"Sau ba năm đơn xin tị nạn của tôi mới nhận được kết quả phấn khởi, và tôi bây giờ là một người tị nạn, nhưng tôi vẫn phải ở trên đảo Nauru. Chưa được đến nước thứ ba, chưa được đến Úc. Tôi vẫn bị giam tù."

Australia nói chính sách hà khắc của họ là cần thiết để ngăn chặn nạn đưa lậu người. Phát biểu tại Ðại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng trước, Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia gọi nước ông là một “quốc gia của di dân.”

Thủ tướng Turnbull nói: "Biên giới dễ bị xâm nhập đã làm công chúng không còn ủng hộ chủ nghĩa đa văn hóa và di dân nữa. Điều quan trọng là cách thức duy nhất để ngăn chặn những kẻ đưa lậu người là tước đi sản phẩm của bọn chúng, và bảo vệ biên giới."

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói không thể chấp nhận biện minh cho quan điểm đó và kêu gọi Canberra đóng cửa các trung tâm xử lý ngoài khơi và cho phép những người tị nạn hợp lệ vào Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG