Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bảo vệ chính sách thắt chặt của chính phủ đối với vấn đề người tị nạn tại hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn của Liên hiệp quốc diễn ra tại New York. Tuy nhiên, các nhà hoạt động yêu cầu Australia đóng cửa các trại tị nạn gây nhiều tranh cãi ở Nam Thái Bình Dương.
Ðại hội đồng Liên hiệp quốc đang tìm một cách thức tốt hơn để giúp đỡ cho hơn 65 triệu người thất tán trên khắp thế giới.
Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia phát biểu tại hội nghị rằng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của nước ông được lập ra để giải quyết có trật tự cho những người xin tị nạn.
Những người vượt biển đến Australia bị đưa ra các trại tạm cư chờ giải quyết đơn trên đảo Papua New Guinea và Nauru.
Chính phủ Australia tin rằng chính sách giữ người tị nạn ngoài khơi này sẽ làm nản lòng các di dân muốn vượt biển đầy nguy hiểm để đến Australia từ các nước như Indonesia.
Ông Turnbull nói rằng các biện pháp hạn chế này đang phát huy tác dụng:
"Nhu cầu kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng đối với di dân chưa bao giờ trở nên rõ hơn như hiện nay. Kinh nghiệm của Australia cho phép giải quyết vấn đề này. Giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp bằng cách tăng cường bảo vệ biên giới là cần thiết để tạo niềm tin rằng chính phủ có thể giải quyết vấn đề di dân bằng cách giảm thiểu rủi ro và tập trung vào trợ giúp nhân đạo cho những người đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Cách làm này có một tác động trực tiếp đến khả năng trợ giúp hào phóng và hiệu quả của chúng tôi cho những người tị nạn."
Nhưng những người chỉ trích nói rằng điều kiện của các trại tị nạn ngoài biển ở Nam Thái Bình Dương là quá nghiệt ngã và việc giam giữ vô thời hạn một số di dân cũng tương đương với tra tấn.
Ông Graham Thom, nhà điều phối về vấn đề người tị nạn của nhóm tranh đấu cho nhân quyền Ân xá Quốc tế, đã đến New York để vận động cho việc thay đổi các chính sách về tị nạn của Canberra.
Ông kêu gọi Australia đóng cửa các trại tị nạn ở Papua New Guinea và Nauru, và rộng lượng hơn với những người trốn chạy áp bức:
"Chúng tôi cần đưa tất cả 12.000 người Syria mà cách đây một năm chúng tôi hứa sẽ giúp họ tái định cư đến Australia, và chúng tôi phải tăng kế hoạch tái định cư cho khoảng 13.750 người lên gần 30.000 người, và đó là những gì chúng tôi đã làm trong cuộc khủng hoảng thuyền nhân tị nạn Việt Nam hồi cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Cuộc khủng hoảng hiện nay tồi tệ hơn bất cứ cuộc khủng hoảng nào từng thấy trước đây."
Australia cấp visa tị nạn cho chưa tới 14.000 người mỗi năm theo một số thỏa thuận quốc tế. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ và giữ người tị nạn ở các đảo ngoài khơi để xử lý đơn xin của họ nhận được sự ủng hộ rộng lớn của công chúng Australia, đất nước có khoảng một phần tư dân số sinh ra ở nước ngoài.