Liên Hiệp Quốc, dù lạc quan về triển vọng cho 10 quốc gia thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cho biết khu vực này phải đối mặt với một số những thách thức cấp bách, bao gồm việc giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, nơi mà tăng trưởng đang chậm lại.
Trong Khảo sát Kinh tế và Xã hội cho Châu Á Thái Bình Dương mới nhất, Liên Hiệp Quốc dự báo ASEAN sẽ báo cáo tăng trưởng chậm trong năm 2015 ở mức gần 4,3 phần trăm, giảm xuống từ mức 5,0 phần trăm trong 2011-2013.
Shamshad Akhtar, một phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), cho biết kế hoạch chi tiết của khu vực cho việc hội nhập kinh tế đang bị thách thức bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bà Akhtar cho biết khu vực ASEAN, phần lớn phụ thuộc xuất khẩu để tăng trưởng, đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm thương mại bên ngoài.
Bà Akhtar nói: "Điều từng là điều tốt đã trở thành một thách thức, ASEAN đang lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc; và những gì đang xảy ra ở Trung Quốc tác động tới Singapore, Malaysia và Thái Lan, là những nước lệ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, họ cần phải di chuyển một cách rõ ràng theo hướng đa dạng hóa."
Động lực chính của tăng trưởng khu vực trong những năm qua là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm khoảng 40 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của những nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất Châu Á-Thái Bình Dương. Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu ớt, đã ảnh hưởng tới những nền kinh tế lệ thuộc vào nguyên liệu như Indonesia và Malaysia.
Liên Hiệp Quốc cho biết những hàng sản xuất xuất khẩu của ASEAN cũng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc do "sự sụt giảm xuất khẩu cuối cùng của Trung Quốc," do ít nhu cầu đối với những nước trung gian Châu Á-Thái Bình Dương, và sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với thành phẩm.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Singapore và Thái Lan, và lớn thứ hai cho Việt Nam. Đối với Lào và Việt Nam, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 20 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nhưng bà Akhtar cũng nhìn thấy những thách thức phát triển quan trọng khác đối với ASEAN.
Bà nói: "Có những khác biệt trong những khoảng cách phát triển. Vì vậy, cách thức mà khu vực này vận hành nền kinh tế chính trị của mình sẽ là khá hệ trọng trong việc cố gắng nâng những nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam lên bởi vì bạn càng nâng họ lên thì càng nhiều nhu cầu sẽ được tạo ra bên trong chính khối ASEAN."
Những chỉ số gần đây cho thấy bất bình đẳng thu nhập đã trở nên xấu hơn, với tốc độ tăng trưởng việc làm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương được báo cáo là "yếu." Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao cũng là "mối quan tâm đặc biệt," Liên Hiệp Quốc nói.
Những nhà kinh tế của Liên Hiệp Quốc cũng chi ra mức nợ đang gia tăng, tư nhân và công ty, trong những nền kinh tế như Malaysia và Thái Lan. Tại Thái Lan, việc thanh toán nợ hàng năm như một phần của thu nhập chiếm 27 phần trăm, nhưng gần 50 phần trăm ở những người nghèo nhất trong năm 2013.
Bà Akhtar nói: "Vấn đề nợ tư nhân khá là đáng kể đối với Malaysia và Thái Lan cả về nợ hộ gia đình và nợ công ty, và điều quan trọng là bình ổn nợ đó. Có sự giảm đòn bẩy tài chính đang xuất hiện. Nhưng trừ phi nó được giải quyết, sẽ có thêm những thách thức đối với việc vực dậy nhu cầu trong nước," bà nói.
Bà Akhtar, cựu thống đốc ngân hàng trung ương của Pakistan, cũng cảnh báo các nước trong khu vực chớ cạnh tranh giành đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng cách cung cấp những hình thức miễn giảm thuế.
"Những gì cần được thực hiện nhiều hơn trong khối ASEAN là bình ổn việc này vì miễn giảm thuế thái quá sẽ không thực sự có ích, mà sẽ thực sự tạo ra sự cạnh tranh rất không lành mạnh để thu hút dòng vốn không nhất thiết phù hợp với lợi thế so sánh," bà nói.
Nhưng bà Akhtar nói rằng bằng cách giải quyết những vấn đề này và thực thi chính sách "sẽ giúp khu vực cải thiện tình hình khi họ tiến về phía trước."