Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo VN đối mặt thách thức buộc quân đội ngừng kinh doanh


Thượng tướng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh.
Thượng tướng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh.

Hai thứ trưởng quốc phòng Việt Nam mới đây nói quân đội “xem xét chấm dứt làm kinh tế”, giảm còn 1/5 số doanh nghiệp quân đội, chỉ giữ những đơn vị sản xuất phục vụ quốc phòng.

Công luận hoan nghênh các thông điệp này, nhưng một nhà nghiên cứu kỳ cựu cho rằng từ lời nói đến thực tế là khoảng cách lớn, và giới lãnh đạo chính trị đối mặt thách thức lớn trong việc làm cho quân đội ngừng kinh doanh.

Trong một cuộc phỏng vấn được báo Tuổi Trẻ đăng tải hôm 10/7, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay Bộ Quốc phòng “quyết tâm” giảm từ 88 doanh nghiệp quân đội xuống còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

Tướng Vịnh giải thích rằng quân đội chỉ giữ lại những doanh nghiệp “trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”. Cụ thể hơn, đó là các đơn vị sản xuất trang bị vũ khí hay phát triển khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó là các đơn vị “thực hiện công tác chính trị, tuyên truyền”, cũng như các công ty hoạt động kinh tế lưỡng dụng, theo lời ông Vịnh.

Hai tuần trước, hôm 23/6, tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, một thứ trưởng quốc phòng khác, Thượng tướng Lê Chiêm, nói quân đội “xem xét chấm dứt mọi hoạt động kinh tế”.

Theo Tướng Chiêm, đó là một chủ trương “mới và đặc biệt quan trọng”. Ông nói thêm rằng “tất cả các doanh nghiệp quân đội” phải cổ phần hóa hoặc thoái vốn, chỉ giữ lại những đơn vị phục vụ quốc phòng. Vị tướng khẳng định với việc ngừng “làm kinh tế”, quân đội sẽ “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại” để bảo vệ đảng, nhà nước, và nhân dân.

Những lời bình luận trong các diễn đàn của báo nhà nước lẫn trên mạng xã hội, dư luận hoan nghênh các tuyên bố kể trên của hai vị thứ trưởng.

Vấn đề quân đội làm kinh tế từ lâu đã gây ra những thắc mắc, thậm chí bất bình, trong người dân và giới kinh doanh. Nhưng gần đây, vấn đề này đặc biệt nóng lên sau nhiều vụ việc bị phơi bày, nói lên sự thiếu minh bạch hay bất bình đẳng trong cạnh tranh khi doanh nghiệp quân đội được hưởng những lợi thế đặc biệt về đất đai, nguồn lực con người, thuế khóa.

Hai vụ gần nhất thu hút sự chú ý lớn là một vùng đất quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất ở Tp.HCM bị biến thành sân golf; và một khu đất nông nghiệp Mỹ Đức, Hà Nội bị trưng dụng thành đất quốc phòng, dự định làm sân bay quân sự, nhưng nay sắp được giao cho một doanh nghiệp quân đội.

Nói với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Bộ Quốc phòng ý thức được rằng sự việc như sân golf ở Tân Sơn Nhất hay một sân golf khác ở sân bay Long Biên, Hà Nội, tạo ra nhiều dư luận “không có lợi” cho quân đội. Vì vậy, theo lời ông, đầu năm nay, bộ trưởng quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trong hai sân golf.

Tướng Vịnh cho biết thêm nếu chính phủ lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, quân đội “sẵn sàng” thu hồi và bàn giao.

Cùng về đất sân golf này, trong cuộc họp hôm 23/6, có mặt Thủ tướng Phúc, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm khẳng định: “Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của chính phủ”.

Trên bình diện rộng hơn, Tướng Vịnh cho hay thời gian vừa qua Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo “tất cả các đơn vị trong toàn quân” kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng. Theo lời ông, kết quả cho thấy về cơ bản đất đai quốc phòng “được quản lý theo đúng pháp luật, sử dụng đúng mục đích huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất và trong đó có một phần làm kinh tế”.

Nhưng vị thứ trưởng cũng thừa nhận “có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích” và quân đội đã “kiểm tra và xử lý nghiêm”. Ông nhấn mạnh rằng thời gian tới quân đội sẽ “tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này”.

Quân đội Việt Nam
Quân đội Việt Nam

So sánh với thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quân đội có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gần như không tồn tại ở các nước khác. Họ nói ngay cả Trung Quốc, nước láng giềng cùng ý thức hệ cộng sản với Việt Nam, cũng đã cấm quân đội làm kinh tế.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, nói với VOA rằng quân đội có các hãng công nghiệp quốc phòng chuyên về đóng tàu, hay nghiên cứu, sản xuất vũ khí, hoạt động phi vụ lợi, là điều chính đáng.

Nhưng thực tế ở Việt Nam, theo ông Giao, nhiều công ty của quân đội hoạt động để kiếm lời và họ gần như không bị kiểm soát do các quy định luật pháp tạo cho quân đội một lãnh địa riêng. Điều này đưa đến chỗ các doanh nghiệp quân đội đã và đang lũng đoạn nền kinh tế, theo vị tiến sĩ.

Mặt khác, ông phân tích rằng các lợi lộc kinh tế còn làm cho quân đội chia rẽ thành các nhóm lợi ích đối chọi nhau, “sao nhãng” việc huấn luyện, tăng cường binh lực, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Các lãnh đạo chính trị Việt Nam nhận thức được điều này và có chủ trương tách quân đội khỏi các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tiến sĩ Giao nhận định họ sẽ gặp thách thức:

“Vấn đề nó đã bộc lộ một cách nghiêm trọng tới mức chính quyền Việt Nam đã thấy rằng không thể không giải quyết. Có lẽ là các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang loay hoay đi tìm lời giải. Động chạm vào nhóm lợi ích quốc phòng, đây là bộ vũ lực, cho nên không phải là các nhà lãnh đạo dễ dàng xử lý được đâu. Bởi vì nó thách thức những tướng lĩnh, những nhóm lợi ích trong quân đội. Nó sẽ động chạm, sẽ là rất khó khăn”.

Có lẽ là các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang loay hoay đi tìm lời giải. Động chạm vào nhóm lợi ích quốc phòng, đây là bộ vũ lực, cho nên không phải là các nhà lãnh đạo dễ dàng xử lý được đâu
Ông Hoàng Ngọc Giao

Nhìn nhận về những tín hiệu phát đi trong các phát biểu của hai thứ trưởng quốc phòng, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng tuy điều đó dấy lên một chút hy vọng, nhưng từ lời nói đến thực tế có một khoảng cách xa, một điều đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ ở Việt Nam.

Ông nói công chúng nên căn cứ vào hai chỉ dấu là việc xử lý sân golf ở Tân Sơn Nhất và tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội để xem nhà nước nghiêm túc đến đâu:

“Tôi không lạc quan cho rằng mấy phát biểu đó làm chúng ta có thể yên tâm. Tôi chỉ có thể tin tưởng, yên tâm nếu thế này: sau phát biểu của ông Vịnh, là dứt điểm không có chuyện nói đi nói lại nữa, thu ngay phần đất đai của Tập đoàn Him Lam ở sân golf để mà mở rộng sân bay, ra quyết định rõ ràng luôn. Cái thứ hai, ví dụ như vụ đất Đồng Tâm vừa rồi, thanh tra vẫn cho vào một cái kết luận rằng cái đất đó là đất quốc phòng. Theo tôi, vẫn còn có những hành động như thế thì những lời nói của các vị lãnh đạo có lẽ còn lâu mới đi vào hiện thực được. Đây nó cũng chỉ phản ánh nguyện vọng của ông Vịnh, nguyện vọng của ông thứ trưởng bộ quốc phòng, chứ nó đã trở thành quyết tâm của tổng bí thư, của đảng là phải làm quyết liệt hay không, thì tôi sợ nó chưa hẳn là như vậy”.

Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng, bất động sản, viễn thông, tài chính, hậu cần, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.

Các doanh nghiệp quân đội đình đám nhất là Viettel trong lĩnh vực viễn thông, MBB trong lĩnh vực ngân hàng, Mipecorp trong ngành xăng dầu, hay các tổng công ty 36 và 319 trong ngành xây dựng, bất động sản. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Lãnh đạo VN đối mặt thách thức buộc quân đội ngừng kinh doanh
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:50 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG