Lãnh đạo Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong bài phát biểu về Tình trạng Liên hiệp Âu châu hôm thứ Tư đã kêu gọi sự đoàn kết giữa các nước Đông và Tây Âu, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa các quốc gia thành viên tiếp theo sau cuộc biểu quyết của Anh rời khỏi EU.
Ông Juncker nêu lên tình trạng chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng ở các quốc gia trong phản ứng đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra là một vấn đề lớn cần phải giải quyết, trong lúc “mức độ hợp tác của chúng ta lại quá nhỏ”.
Ông nói: “Lợi ích quốc gia thường luôn được đưa lên hàng đầu. Và chúng ta không nên hiểu lầm điều này, hội nhập châu Âu không có nghĩa là phải hy sinh các lợi ích quốc gia. Châu Âu không thể biến thành một nơi hội nhập các nền văn hóa không còn sắc thái.”
Ngoài việc kêu gọi đoàn kết, ông Juncker còn công bố kế hoạch đầu tư trực tiếp vào các quốc gia châu Phi trong một nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư tại đầu nguồn của nó. Ông kêu gọi thành lập một quỹ 49 triệu đôla, và có thể sẽ tăng lên gấp đôi sau này, tùy theo mức độ thành công của nó.
Ông Juncker nói ông và EU vẫn nên “làm bạn” với nước Anh, nhưng cảnh báo rằng quốc gia này chớ trông đợi sẽ tiếp tục quyền tiếp cận với thị trường chung EU như trước đây một khi chính thức rút lui.
Ông nói: “Chúng tôi tôn trọng và đồng thời lấy làm tiếc về quyết định của Anh, nhưng Liên minh châu Âu sẽ không gặp rủi ro”.
Ông Juncker khuyến khích Anh quốc bắt đầu đàm phán rút khỏi EU càng sớm càng tốt để cả hai bên đều có thể tiến tới theo đường hướng riêng.
Sau khi người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU vào tháng Sáu, các nhà lãnh đạo EU gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực duy trì sự thống nhất giữa các nước Đông và Tây, những nước đã lên tiếng đòi giảm bớt ảnh hưởng từ liên minh hơn, trong khi những nước khác lại mong có quyền lực tập trung mạnh hơn.
Sự chia rẽ giữa các nước càng lộ rõ hôm thứ Ba khi Ngoại trưởng Luxembourg kêu gọi loại Hungary ra khỏi EU sau khi ông nói những người tị nạn tại nước này đang bị đối xử như “súc vật”.
Ông Jean Asselborn nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Die Welt rằng “Bất kỳ ai, giống như Hungary, xây các hàng rào chống người tị nạn chiến tranh, hoặc những người vi phạm tự do báo chí và độc lập tư pháp, đều cần phải bị loại khỏi EU tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu cần thiết”.
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary, ông Péter Szijjártó, đáp lại những lời chỉ trích trong một tuyên bố, gọi ông Asselborn là “một nhân vật tầm thường” và nói ông đã quá quen với cách làm của EU nên chẳng xem đó là một chuyện lớn lao.
Ông Szijjártó nói: “Điều đáng ngạc nhiên là ông Jean Asselborn và ông Jean-Claude Juncker -- cả hai đều xuất phát từ những nước có chế độ thuế khóa rất lạc quan – nhưng đều nói về việc cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Nhưng chúng tôi hiểu điều này thực tế có nghĩa là: Hungary nên chịu trách nhiệm về những sai lầm do người khác đã gây ra”.
Vào ngày 2 tháng 10, Hungary sẽ tổ chức trưng cầu dân ý liệu có chấp nhận cho EU phân bổ bắt buộc số người tị nạn mà Hungary phải nhận bất chấp quốc hội có thông qua hay không.