Hôm 14/4, các nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho nhiều tín ngưỡng đã tề tựu tại một cuộc họp báo để kêu gọi các đảng Cộng hòa và Dân chủ thêm vào cương lĩnh đảng sự phản bác thái độ cuồng tín bài Hồi giáo.
Trong cuộc họp báo, được bảo trợ bởi Hội Hồi giáo Bắc Mỹ diễn ra tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, các nhà lãnh đạo nói một bức thư chính thức đã được gửi đến cả hai đảng yêu cầu họ đứng lên chống lại mọi sự kỳ thị và thái độ cuồng tín bài Hồi giáo bằng cách thêm ngôn ngữ “rõ ràng” vào cương lĩnh của đảng tại các đại hội đề cử ứng viên ra tranh cử tổng thống sắp tới.
Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ của Shoulder-to-Shoulder (Vai kề Vai), một liên minh liên tôn gồm hơn 32 nhóm tín ngưỡng lên tiếng chống lại sự thù hận.
Chủ tịch Hội Hồi giáo Bắc Mỹ Azhar Azeez nói:
“Là người Mỹ, chúng tôi quan tâm sâu xa trước sự nổi lên của lập luận bài Hồi giáo và thái độ cuồng tín trong các cuộc vận động tranh cử. Những lời lẽ như thế gây phương hại thực sự đến các cộng đồng Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở khắp quốc gia chúng ta”.
Mùa bầu cử này đã tràn ngập những lời bình luận gây tranh cãi nhắm vào người Hồi giáo. Ứng viên dẫn đầu phía đảng Cộng hòa Donald Trump kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ông Trump còn nói ông tính tới việc đóng cửa một số đền thờ Hồi giáo ở Hoa Kỳ.
Cựu Tổng Giám mục Washington, Đức Hồng Y Theodore McCarrick nói: “Đừng nên nói chuyện như thế này. Đây không phải là nước Mỹ. Đây không phải là con người. Đây không phải là sự thừa nhận chúng ta là một gia đình ở đây”.
Hồng Y McCarrick nói thêm rằng sự công kích nhắm vào người Mỹ Hồi giáo là một “hành động ngu xuẩn” và là “chính trị tệ hại nhất mà họ có thể làm”.
Những người khác đã đích thân cảm nhận lập luận chống Hồi giáo trong các cuộc vận động tranh cử.
Bà Fatima Salman, người tự nhận là một cư dân Hồi giáo “tự hào” ở Michigan, nói bà luôn thấy an ủi trước sự kiện là bang của bà “hòa nhập tốt” và họ đứng “sát vai nhau”.
Bà Salman là một cán bộ xã hội tại một vùng ngoại ô Detroit, giúp cư dân địa phương tại một số trong những khu phố nghèo nàn nhất xây dựng khả năng lãnh đạo, “bởi vì tôi tin chắc vào tiềm năng của con người có thể tạo ra sự thay đổi”.
Bà Salman nói chỉ cần một cuộc họp của hội đồng thành phố mà bà vừa tham dự để phá tan những cảm giác an bình này. Thị trấn mà bà sinh sống, West Bloomfield, sẽ biểu quyết để trở thành một “thành phố tiếp nhận” theo chỉ định.
Bà kể: “Tôi bước vào một cơn ác mộng ngày hôm đó – 125 người chống đối việc tiếp nhận di dân vào thành phố chúng tôi đã gặp tôi bằng những cái nhìn lạnh băng đầy thù hận và tức tối đối với tôi và cộng đồng Hồi giáo của tôi”.
Bà nói mọi người lên máy vi âm, sử dụng những lời lẽ đầy thù hận y như họ đã nghe thấy trong các cuộc vận động tranh cử và trên các cơ quan truyền thông chính mạch. Thị trấn đã biểu quyết giữ nguyên định danh là tiếp nhận. Bà Salman run rẩy rời khỏi cuộc họp.
Bà kể thêm: “Hai cảnh sát viên đã nói với tôi là tôi cần người hộ tống ra xe ngày hôm đó”.
Theo bà, thù ghét ở mức độ đó, thường bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi và bà nói thêm rằng những người ra tranh cử vào chức vụ cao nhất nước phải chịu trách nhiệm đã khơi ra những cảm giác như thế trong dân chúng Mỹ.
Bà Salman nói: “Là một người Mỹ và là một người Hồi giáo, tôi sẽ đứng lên chống lại sự thù ghét nhắm vào người Hồi giáo, sự thù ghét nhắm vào người da đen, sự thù ghét nhắm vào người Mexico, người Do Thái và phụ nữ… Tình thương và sự tử tế sẽ thắng thế”.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng củng cố lập trường chống khủng bố.
Ông Azeez nói: “Các phần tử khủng bố là một sự đại diện cho các tội phạm dã man trên khắp thế giới”. Ông cũng nói thêm rằng tổ chức của ông lên án mọi hành vi bạo lực và cực đoan.
Ông Azeez nói: "Người Hồi giáo trên khắp thế giới không thừa nhận các phần tử khủng bố hay chủ thuyết của bọn chúng như một thẩm quyền tôn giáo hay một sự tiêu biểu của tôn giáo của họ”.