Từ năm 2001 đến nay, một trong những sự kiện quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sinh hoạt chính trị thế giới cũng như tâm lý quần chúng khắp nơi chắc chắn là nạn khủng bố gắn liền với Hồi giáo.
Khác với mọi hình thức khủng bố trước đây, khủng bố gắn liền với Hồi giáo có hai đặc điểm chính: Một, nó vừa có tính tổ chức vừa có tính tự phát rất cao. Có tính tổ chức, quy tụ nhiều người và trải qua quá trình chuẩn bị chu đáo, nó thường gây tác hại lớn, nhưng đồng thời cũng dễ bị các cơ quan tình báo Tây phương phát hiện. Mang tính tự phát, chỉ gồm một hoặc một vài cá nhân đơn lẻ, nó khó bị phát hiện hơn, do đó, dù có quy mô nhỏ, nó cũng nguy hiểm hơn. Hai, nó có tính chất toàn cầu, bởi vậy, những nỗi kinh hoàng nó gây ra cũng có tính chất toàn cầu: Ở đâu người ta cũng sợ. Đi máy bay: sợ. Ngồi trên xe lửa: sợ. Vào rạp hát: sợ. Ngồi trong quán ăn hay tiệm cà phê: cũng sợ.
Chính những nỗi sợ ấy chi phối cách nhìn của mọi người đối với Hồi giáo và những người theo Hồi giáo.
Tựu trung có hai cách nhìn chính:
Thứ nhất, đồng nhất Hồi giáo với khủng bố. Từ luận điểm cho mọi cuộc khủng bố đều do người Hồi giáo thực hiện, người ta đi đến kết luận: Mọi người Hồi giáo đều là, hoặc có khả năng là, khủng bố. Đó chính là lý do tại sao Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà tại Mỹ, kêu gọi ngưng “toàn bộ và toàn diện” việc cho phép người Hồi giáo nhập cảnh vào nước Mỹ. Các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hoà khác không công khai lên tiếng một cách lộ liễu như vậy, nhưng lại cổ vũ cho chính sách chỉ nhận cho tị nạn những người theo Thiên Chúa giáo. Thì cũng vậy: Tất cả, với những mức độ khác nhau, đều chủ trương bài Hồi giáo.
Một số nhà nghiên cứu đưa ra luận điểm: Trong số những người theo Hồi giáo, ngoài những kẻ trực tiếp tham gia vào các cuộc khủng bố hoặc đi theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq, còn vô số những người khác, một cách công khai hay ngấm ngầm, ủng hộ những việc làm tàn bạo của bọn khủng bố, đồng ý với việc sử dụng bạo lực để tàn sát những người họ cho là “dị giáo”, tức không phải Hồi giáo. Như vậy, trừ một số ít, những người Hồi giáo còn lại đều thuộc một trong hai loại: thủ phạm và tòng phạm.
Mới đây, cựu Thủ tướng Úc, ông Tony Abbott cho là đã đến lúc người ta phải thừa nhận một sự thật: khủng bố gắn liền với những vấn đề bên trong, thuộc bản chất, của Hồi giáo. Nhưng tại sao Hồi giáo lại gắn liền với khủng bố như vậy? Tony Abbott giải thích: Khác với một số tôn giáo khác, đặc biệt Thiên Chúa giáo, Hồi giáo không từng trải qua thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng để được lý trí thanh lọc, do đó, vẫn mang đậm dấu vết trung cổ. Bởi vậy, ông kêu gọi những người Hồi giáo nên tiến hành một cuộc cách mạng tự thân để thích ứng với văn minh và văn hoá hiện đại.
Cách nhìn thứ hai cho khủng bố gắn liền với một số, hơn nữa, lại là số ít những phần tử cực đoan trong Hồi giáo. Người ta thừa nhận, một mặt, có một số người Hồi giáo quá khích chủ trương hoặc cổ vũ các hành động khủng bố nhắm vào Tây phương, nhưng mặt khác, người ta cũng thừa nhận có rất đông người Hồi giáo có quan điểm ôn hoà, sống một cách bình yên với những người khác tôn giáo với họ. Như vậy, khủng bố không nhất thiết gắn liền với Hồi giáo. Khủng bố chỉ gắn liền với một thiểu số ít ỏi những người Hồi giáo cuồng tín và cực đoan mà thôi.
Cách nhìn thứ hai vừa chính xác vừa hợp lý vừa khôn ngoan hơn.
Nó chính xác vì thực tế chứng minh không phải người Hồi giáo nào cũng sẵn sàng hành động hoặc cổ vũ cho các hành động giết người. Indonesia là một ví dụ: Đó là quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất trên thế giới nhưng nói chung đời sống tại đó khá yên bình. Cũng có một số nhà lãnh đạo tôn giáo quá khích nhưng họ không lôi kéo được đông đảo quần chúng. Rộng hơn, ở bất cứ quốc gia Tây phương nào hiện nay cũng đều có người Hồi giáo sinh sống nhưng số người Hồi giáo chủ trương “thánh chiến” với những người thuộc các tôn giáo khác chỉ là một thiểu số. Số tín đồ Hồi giáo ở Mỹ là khoảng trên 2 triệu rưỡi, chiếm 0.6% dân số; ở Úc là nửa triệu, chiếm 2% dân số; ở Pháp là hơn 6 triệu, chiếm gần 10% dân số… Nhưng ở các nước ấy, có bao nhiêu người tham gia hay đồng tình với việc khủng bố? Chắc chắn là cực ít.
Nó hợp lý vì nó tránh được sự kỳ thị về tôn giáo. Một trong những đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta đang sống là chủ nghĩa đa nguyên và đa văn hoá, tức việc chấp nhận tính chất dị biệt và đa dạng trong tư tưởng, tôn giáo và tập quán trong xã hội. Riêng đối với tôn giáo, không ai được quyền nhân danh tôn giáo của mình để đả kích hoặc bài trừ các tôn giáo khác. Tôn giáo nào cũng có người tốt người xấu. Không thể vì những người xấu mà kỳ thị đối với cả tôn giáo ấy. Làm thế, người ta không khác gì những người Hồi giáo cực đoan. Điều đó trái với những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức vốn là nền tảng của nền văn minh thời hiện đại.
Cách nhìn trên không những chính xác và hợp lý mà còn khôn ngoan vì nó không đẩy những người Hồi giáo hiếu hoà và hiền lành vào đường cùng, từ đó, nổi lên phản kháng bằng các hành động khủng bố, điều mà những phần tử cực đoan như Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo mong muốn. Gắn liền khủng bố với một thiểu số cực đoan, người ta vừa tránh xúc phạm những người Hồi giáo ôn hoà vừa cô lập những phần tử cực đoan ấy trong ngay nội bộ tôn giáo của họ.
Đó là lý do tại sao hầu như tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới đồng ý với cách nhìn thứ hai và lên tiếng phản đối những người chủ trương đồng nhất Hồi giáo với khủng bố. Cách nhìn của Donald Trump bị phê phán không những bởi chính phủ Mỹ mà còn bởi giới lãnh đạo của nhiều quốc gia khác. Thủ tướng Anh David Cameron cho đó là cách nhìn gây chia rẽ, bất lợi và hoàn toàn sai lầm; Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho nó chỉ gieo rắc thù hận và nhấn mạnh: “Chỉ có thứ Hồi giáo cực đoan mới là kẻ thù của chúng ta.” Tại Úc, Thủ tướng Malcolm Turnbull nhẹ nhàng chê trách Tony Abbott, người tiền nhiệm của ông, là phi chính trị.
Cho khủng bố chỉ gắn liền với một số ít phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng hầu như tất cả giới lãnh đạo trên thế giới đều cho đó là một thiểu số cực kỳ nguy hiểm. Nó đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình và sự ổn định của cả thế giới. Và nó cũng rất khó giải quyết. Trong tương lai, ít nhất năm mười năm nữa, dù muốn hay không chúng ta cũng phải sống trong cảnh thường trực sợ hãi từ hoạ khủng bố xuất phát từ cái thiểu số cực đoan và khát máu ấy.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.