Đường dẫn truy cập

Làm gì tiếp khi Trung Quốc đẩy mạnh ‘tam chủng chiến pháp’ trên Biển Đông?


Du khách Trung Quốc mặc áo thun có hình đường lưỡi bò khi vào phi trường Cam Ranh. Báo Tuổi Trẻ cho dấu gạch chéo trên bản đồ này. (screenshot of Tuoi Tre website)
Du khách Trung Quốc mặc áo thun có hình đường lưỡi bò khi vào phi trường Cam Ranh. Báo Tuổi Trẻ cho dấu gạch chéo trên bản đồ này. (screenshot of Tuoi Tre website)

Cụ Phan Chu Trinh từng có lời khuyên đến nay vẫn nguyên tính thời sự: “Không bạo động, bạo động tất chết!... Dân nước ta, ai mà ham mến tự do, xin có một vật rất quý báu tặng đồng bào, đó là “Chi Bằng Học”.

Những ngày này, Trung Quốc triển khai “dư luận chiến” về Biển Đông khá cấp tập. Đây là một trong “tam chủng chiến pháp” (tức là một trong ba cuộc chiến về pháp luật – tâm lý – dư luận). Để đối phó với “ba loại hình chiến tranh” này, Hà Nội có đề ra “tam công pháp”. Muốn không để lọt lưới “đường lưỡi bò”, phải hết sức quán triệt “tam công pháp”.

“Dư luận chiến” là quá trình sử dụng dư luận như một vũ khí tuyên truyền thông qua các hình thức đa dạng, từ phim ảnh đến truyền thông, để làm suy yếu ý chí chiến đấu của đối phương, trong khi bảo đảm sức mạnh tinh thần và sự đoàn kết thống nhất giữa các quan điểm dân sự và chính trị của Trung Quốc. Mục tiêu của loại hình này là “dùng dư luận khắc chế dư luận”, nhắm đến các hoạt động tuyên truyền gây ảnh hưởng lên sự nhận thức của công chúng ở Việt Nam và quốc tế, tạo nên các luồng dư luận ủng hộ quan điểm của chính phủ Trung Quốc, lập luận pháp lý của Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời gây nhiễu tất cả các quan điểm trái chiều. “Dư luận chiến” này có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung Nam Hải xuống các ngành các cấp, luôn được linh hoạt điều chỉnh cho thích ứng với tình hình chính trị và quân sự Trung – Việt và trong khu vực, đẽo gọt chương trình cho phù hợp với từng nhóm đối tượng để phô diễn sức mạnh vượt trội và làm tê liệt ý chí kháng cự của người dân Việt Nam, nhất là trí thức và thế hệ trẻ.

Quyết liệt thế chưa đủ…

Từ “Hướng gió mà đi” (Flight to you) cho đến phim "Barbie" của hãng Warner Bros của Mỹ, hay Chuyến lưu diễn của nhóm nhạc K-pop nổi tiếng của Hàn Quốc là Blackpink… Chúng ta thấy “Dư luận chiến” / “Tam chủng chiến pháp” đã đi vào mọi ngóc ngách, mọi sinh hoạt cộng đồng, trở thành những yếu tố cốt lõi trong tuyên truyền của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam. Theo thống kê chưa được kiểm chứng đầy đủ, số lượng các sản phẩm văn hóa, các bài báo khoa học có chèn “đường lưỡi bò” tính đến nay, đã vượt hàng ngàn danh mục, từ năm 2017. Trong khi trước thời điểm ấy rất hiếm thấy. Kể cả khi các học giả đến Trung Quốc để dự các hội nghị hay các diễn đàn khoa học, các cơ quan văn hóa – tư tưởng của Trung Quốc cũng không bỏ lỡ tuyên truyền về Biển Đông, về “đường lưỡi bò”. Các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung Quốc cũng mang ấn phẩm sang Việt Nam dự hội chợ, phát cho các công ty du lịch, hoặc tinh vi hơn, mang cả phim sang chiếu. “Đường lưỡi bò” cũng vào Việt Nam bằng cách in trên áo phông, hoặc hộ chiếu của khách du lịch Trung Quốc. Điều đáng nói là Việt Nam đã có hệ thống kiểm duyệt, sàng lọc thông tin từ trung ương xuống địa phương nhưng nhiều trường hợp vẫn để lọt “đường lưỡi bò”.

Cho nên, “sự ra quân” của các cơ quan hữu quan của Việt Nam vừa qua, tuy muộn nhưng thà “muộn còn hơn không”. Cục điện ảnh Việt Nam chiều 9/7/2023 vừa yêu cầu Netflix và FPT Play gỡ phim Trung Quốc “Hướng gió mà đi” (Flight to you), vì nhiều tập trong phim có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp. Cục điện ảnh xác nhận, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt đã ký ban hành 2 công văn gửi đến Công ty Netflix và Công ty cổ phần Viễn thông FPT, yêu cầu gỡ bỏ phim “Hướng gió mà đi”, sau khi tiến hành kiểm tra toàn bộ 39 tập phim. Các công văn đều khẳng định: “Việc thể hiện hình ảnh đường lưỡi bò và những nội dung trong lời thoại, phụ đề trong phim là xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15”. Trước đó, phim "Barbie" của hãng Warner Bros của Mỹ cũng bị cấm chiếu ở Việt Nam, vì cho rằng phim mô tả “đường chín đoạn” của Trung Quốc, vốn bị bác bỏ trong phán quyết trọng tài quốc tế CPA ở The Hague năm 2016. Mặc dầu hãng phim Mỹ cho rằng phim “Barbie” không có bản đồ “đường lưỡi bò” mà chỉ là bức vẽ, nhưng Cục điện ảnh vẫn giữ quan điểm cấm chiếu.

Cùng với phim “Barbie”, Việt Nam cũng mở cuộc điều tra đối với trang web của công ty IME Việt Nam, đơn vị tổ chức Chuyến lưu diễn của nhóm nhạc K-pop nổi tiếng của Hàn Quốc là Blackpink, vì trang web này hiển thị bản đồ Biển Đông với “đường đứt khúc chín đoạn”. Ngay trong ngày 6/7, người phát ngôn Phạm Thu Hằng của Bộ ngoại giao đã cho biết quan điểm Việt Nam về yêu sách “đường chín đoạn” đã được làm rõ nhiều lần. Với các thông tin liên quan đến show diễn của Blackpink, bà Hằng cho hay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh. Bà Hằng nói sẽ chuyển các câu hỏi trên cho cơ quan chức năng. Ông Lê Thanh Liêm, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết đã yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các đơn vị liên quan xác minh nghi vấn và xử lý đối với công ty tổ chức đêm nhạc Blackpink ủng hộ “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh. Như vậy là chỉ trong vòng có mấy ngày đầu tháng 7, chúng ta đang đối phó khá thành công với sự ảnh hưởng và tốc độ “lây lan” của các hình ảnh liên quan đến “đường lưỡi bò” từ Trung Quốc.

Các vụ cấm chiếu hai phim và điều tra chuyến lưu diễn nhóm nhạc K-pop nổi tiếng khiến dư luận nhớ lại các bài học cảnh giác trước đây. Các vụ như bộ phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (Put Your Head On My Shoulder) chiếu trên Netflix cũng từng có bản đồ hình đường lưỡi bò phi pháp. Bộ phim này được sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 4/2019. Hoặc bộ phim khác “Madam Secretary” xuất hiện cảnh phố cổ Hội An lại chú thích là “Fuling, China” (Phù Lăng, Trung Quốc). Tuy không có đường lưỡi bò trong phim, nhưng chú thích sai địa danh như thế là cũng xúc phạm đến tự hào, tự tôn về những giá trị nổi bật của lịch sử, văn hóa vùng đất và con người Hội An, một Di sản Văn hóa thế giới và địa chỉ du lịch được yêu thích trên toàn cầu. Văn bản do Phó Giám đốc Sở TT-TT Quảng Nam ký 26/6/2020 nêu rõ: “Không được có bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ hay tổ chức, cá nhân nào có các hành vi gây nguy hại đến hình ảnh của dân tộc Việt Nam. Việc chú thích sai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quảng bá du lịch nước nhà”.

“Tam công pháp” chống lại “đường lưỡi bò”

Để đối phó với các loại hình chiến tranh nói trên, Hà Nội từng đề ra “Chính sách ba C”, tức là “tam công pháp”, bao gồm: Thứ nhất, công khai các bằng chứng pháp lý, lịch sử, sẵn sàng tranh luận bảo vệ tính chính đáng, phù họp với Luật Quốc tế trong lập trường của từng bên, phân tích rõ để dư luận trong từng nước và cộng đồng quốc tế hiểu các sự kiện xảy ra nghiêm trọng trên Biển Đông. Thứ hai, công luận sẽ giúp chỉ ra những điểm sai trái mà “dư luận chiến” nhắm đến thông qua các hoạt động tuyên truyền. Công luận phải có các biện pháp truyền thông phù hợp để cho mọi người cùng hiểu tính chất vô lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, thấy rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Thứ ba, công pháp tức là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải căn cứ vào Luật Quốc tế. Công luận cần được hướng dẫn đi theo đúng những nguyên tắc của Luật pháp Quốc tế. Cuộc chiến pháp lý cho đến nay trong và ngoài khu vực đều nhất quán bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, yêu cầu tôn trọng Phán quyết của Tòa trọng tài PCA và coi UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển.

Điều đáng khích lệ, ngay từ lúc IME đăng thông tin về giá vé đêm nhạc “Born Pink” hôm 4/7/2023, nhiều khán giả phát hiện trang chủ website IME có đăng bản đồ hình ảnh “đường lưỡi bò” mà Việt Nam phản đối. Dưới bài viết, kèm theo hàng trăm bình luận bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh kêu gọi IME tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam kèm theo lời khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Cũng có một số bình luận khác khá cực đoan hơn đã kêu đơn vị này “cút khỏi Việt Nam” và gạch đỏ tất cả hình ảnh quảng bá về show diễn. Nhiều người đã truy vết công ty IME có nguồn gốc Trung Quốc nên quảng bá luận điệu và yêu sách của nước này về chủ quyền Biển Đông, đi ngược lại với tuyên bố của Việt Nam. Giá vé của đêm nhạc cũng bị coi là yếu tố thêm thắt vào việc tẩy chay. Nhiều người so sánh giá vé VIP của Blackpink ở Hà Nội có mức gần 10 triệu đồng, trong khi so với Thái Lan (hồi tháng 1/2023) chỉ khoảng hơn 6,4 triệu đồng. Tương tự, ở Singapore, giá vé VIP là gần 7 triệu đồng. Từ đây, bên kêu gọi tẩy chay cho rằng, công ty IME đang "hút máu" các fan Việt Nam, truyền bá “đường lưỡi bò” phi pháp.

Cụ Phan Chu Trinh từng có lời khuyên đến nay vẫn nguyên tính thời sự: “Không bạo động, bạo động tất chết!... Dân nước ta, ai mà ham mến tự do, xin có một vật rất quý báu tặng đồng bào, đó là “Chi Bằng Học”. Học hành tử tế không thể không đọc sách, học về chính trị không thể không đọc sách chính trị. Ngay trong một gia đình nông dân có tinh thần đấu tranh với Trung Quốc nhiều năm qua là nhà bà Cấn Thị Thêu – người bị chính quyền bỏ tù cùng hai con trai – cũng từng đọc nhiều sách của NXB Tự Do. Sách làm gia đình chị vững tin vào con đường phải đi của dân tộc và tin vào một tương lai tươi sáng cho tổ quốc. Có thể nói, NXB Tự Do đã góp một phần vào khí phách hiên ngang của gia đình người nông dân Cấn Thị Thêu! Xưa Tần Thuỷ Hoàng bên Trung Quốc đốt sách giết học trò, nay muốn dư luận cảnh giác với “đường lưỡi bò” thì không thể triệt hạ NXB Tự Do và khủng bố tinh thần các độc giả. Thời đại Internet không dễ dàng cho phép thực hiện chính sách ngu dân. Bao giờ nước Nam hết cỏ mới hết người Nam chống ảnh hưởng văn hóa độc hại của Trung Quốc, mới hết người Việt Nam đọc sách chính trị.

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG