Đường dẫn truy cập

Lai dắt thành công tàu mắc cạn khổng lồ, kênh Suez thông thương trở lại


Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu chở hàng MV Ever Given bị mắc cạn tại Kênh Suez, gần thành phố Suez, Ai Cập, ngày 27/3/2021.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu chở hàng MV Ever Given bị mắc cạn tại Kênh Suez, gần thành phố Suez, Ai Cập, ngày 27/3/2021.

Các toán cứu hộ vào ngày 29/3 đã giải thoát con tàu công-tơ-nơ khổng lồ bị kẹt gần một tuần tại kênh Suez, chấm dứt cuộc khủng hoảng làm tắc nghẽn một trong những hải lộ quan trọng nhất thế giới.

Được thủy triều cao giúp sức, một đoàn tàu kéo đã kéo mũi tàu Ever Given, cao bằng một tòa nhà chọc trời, khỏi một bờ cát của con kênh.

Ever Given mắc cạn tại đây từ ngày 23/3.

Các tàu kéo hú còi reo mừng khi hướng dẫn tàu Ever Given qua dòng nước sau nhiều ngày bất khiển dụng; một biến cố làm cả thế giới chú ý.

Con tàu khổng lồ tiến về phía Great Bitter Lake, một vùng nước rộng nằm giữa hai đầu nam - bắc của kênh Suez. Tại đây, con tàu sẽ được kiểm tra an toàn.

Evergreen Marine, công ty chuyển vận lớn có trụ sở tại Đài Loan, là công ty điều hành Ever Given.

“Chúng tôi đã kéo tàu ra rồi!” ông Peter Berdowski, Tổng giám đốc Boskalis, công ty trục vớt được thuê để lôi con tàu Ever Given, cho biết. “Tôi phấn khích loan báo là toán chuyên gia của chúng tôi, làm việc với sự cộng tác chặt chẽ của Thẩm quyền Kênh Suez, đã thành công trong việc làm cho tàu Ever Given nổi trở lại… do đó việc đi ngang qua Kênh Suez nay trở lại như cũ.”

Bị vùi dập vì một trận bão cát, tàu Ever Given ủi vào một bờ kinh chỉ có một làn, khoảng 6 km về phía bắc của lối vào kênh, gần thành phố Suez. Sự cố này gây ra tắc nghẽn giao thông rộng lớn làm 9 tỉ đô la thương mại toàn cầu bị đình trệ mỗi ngày, và làm gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã chịu gánh nặng của đại dịch virus corona.

Có ít nhất 367 tàu hàng bị kẹt lại vì phải chờ đi qua Kênh Suez. Hàng chục con tàu khác phải đi con đường khác, dài hơn, vòng qua Mũi Hảo vọng tại cực nam châu Phi.

Ai Cập xem con kênh như là niềm tự hào quốc gia và là nguồn thu nhập đáng kể. Sự cố tàu Ever Given làm mất hơn 95 triệu đô la phí qua kênh, theo công ty dữ liệu Refinitiv.

Ngay cả khi công tác cứu hộ tiếp tục, Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi, sau nhiều ngày im lặng về cuộc khủng hoảng, đã ca ngợi sự kiện ngày 29/3.

“Người Ai Cập đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng,” ông viết trên Facebook, “dù có phức tạp công nghệ khổng lồ.”

Tại làng Amer, nhìn về con kênh, cư dân reo hò khi con tàu chạy dọc làng. Nhiều người chen chúc nhìn con tàu trong khi những người khác vẫy tay chào từ biệt.

“Nhiệm vụ hoàn tất,” ông Abdalla Ramadan, một dân làng nói. “Toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm.”

Tòa đại sứ Mỹ tại Cairo gởi lời chúc mừng Ai Cập trên Twitter.

Trong khi con kênh hiện hết bị tắc nghẽn, vẫn chưa rõ khi nào việc đi lại trên kênh trở lại bình thường. Các nhà phân tích hy vọng sẽ mất khoảng 10 ngày nữa để giải quyết mọi ứ đọng tại hai đầu kênh.

Việc thông thương trở lại diễn ra vài ngày sau nỗ lực cao độ của một toán cứu hộ tinh nhuệ từ Hà Lan. Các tàu kéo, đẩy và kéo con tàu khổng lồ ra khỏi bờ, công việc của các tàu này được triều cường ngày 29/3 giúp sức mang đến kết quả thành công cuối cùng.

Các tàu nạo vét chuyên dụng đào ở đuôi tàu và hút cát và bùn ở phía dưới. Công tác này cực kỳ tinh vi. Trong khi tàu Ever Given bị mắc cạn, thủy triều lên và xuống tạo áp lực lên thân tàu dài 400 mét, tạo nên quan ngại là tàu có thể bị nứt hoặc vỡ.

Một khi Ever Given được kiểm tra tại Great Bitter Lake, các giới chức sẽ quyết định xem liệu con tàu mang cờ Panama, do Nhật Bản làm chủ, chở hàng từ châu Á đến châu Âu, có thể tiếp tục chạy đến đích nguyên thủy là Rotterdam, Hà Lan, hay không.

Cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh đến con đường thương mại trọng yếu chở hơn 10% hàng hóa toàn cầu, trong đó có 7% xăng dầu trên thế giới.

Việc kênh Suez bị tắt nghẽn chưa từng xảy ra trước đây, nêu lên những quan ngại về trì hoãn kéo dài, tạo tình trạng thiếu thực phẩm và làm nâng giá hàng hóa.

Chuyên gia thương mại quốc tế Jeffrey Bergstrand tiên đoán “chỉ có một ảnh hưởng dây chuyền nhỏ lên giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.”

“Vì hầu hết việc nhập khẩu bị chặn lại trong tuần qua có đích đến là châu Âu, người tiêu dùng Mỹ sẽ ít thấy ảnh hưởng về giá cả hàng hóa nhập khẩu, trừ những sản phẩm trung gian của Mỹ làm tại châu Âu,” giáo sư về tài chánh Bergstrand, Trường Kinh doanh Mendoza thuộc Trường đại học Notre Dame nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG