Bài báo trước đã nêu rõ tệ vô ân bạc nghĩa của ban lãnh đạo Cộng sản (CS) đối với một số nhân sỹ, trí thức, nhà kinh doanh yêu nước, người dân miền Nam, người dân không là đảng viên CS...và tình trạng họ bị đố kỵ, phân biệt đối xử ra sao. Không có họ đố mà đảng CS làm nên chuyện gì ra trò trong cuộc gọi là Cách mạng tháng Tám và cuộc Kháng chiến chống Pháp, với hàng triệu liệt sỹ ngoài đảng đã nằm xuống ngoài mặt trận, mang theo niềm tin hão huyền rằng đảng CS sẽ đem lại độc lập tự do hoàn toàn và phồn vinh hạnh phúc cho toàn dân.
Suốt 70 năm niềm tin đó đã dần dần xa vời, đã thế đảng còn nhận vơ rằng 70 năm nay ‘’mọi chiến công và thành tựu đều là công đầu của đảng CS’’!, và đảng CS tự phong cho mình cái quyền ‘’là lực lượng lãnh đạo duy nhất, không chia sẻ cho ai khác’’. Tình hình hiện nay tệ đến mức nhà thơ Bùi Minh Quốc phải thốt lên:
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.
Xin kể dưới đây vài câu chuyện sống động về đảng CS cư xử với người dân để các bạn, nhất là các đảng viên CS còn thật lòng yêu nước thương dân, suy nghĩ đánh giá về cái đảng CS đang suy thoái không sao kìm hãm nổi, trở thành cản trở nguy hiểm nhất cho đất nước phát triển, hội nhập, dân chủ và phồn vinh.
Câu chuyện này dân thủ đô Hà Nội đều biết. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, lúc ấy 31 tuổi, đã hết lòng ủng hộ chính quyền mới. Vợ ông là bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng tham gia phong trào phụ nữ cứu quốc. Gia đình chuyên buôn bán tơ lụa, có quan hệ quốc tế rộng rãi với Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ... với những cửa hàng lớn phố Hàng Ngang như Phúc Đồng, Lợi Quyền, Lợi Hòa, Phát Đạt, Cự Hưng. Cửa hàng lớn nhất là Phúc Lợi ở số nhà 48 hàng Ngang. Ông Hồ Chí Minh khi từ Việt Bắc về Hà Nội cuối tháng 8/1945 đã ở đây, viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại đây, nay đã thành di tích lịch sử loại 1. Bà Minh Hồ đã kể cho tôi nghe là bộ áo quần ông Hồ mặc trong ngày lịch sử ấy là do bà đo và may gấp từ vải của nhà, áo vét ông Phạm Văn Đồng và ông Võ Nguyên Giáp mặc hồi ấy là áo của ông Trịnh Văn Bô còn mới. Bà đã tham gia Tuần lễ Vàng với 117 cây vàng, đứng đầu sổ. Trước đó, hai vợ chồng đã góp cho Quỹ Việt Minh 8,5 vạn đồng Đông Dương, bằng 212 cây vàng và ngay sau đó là Quỹ Độc lập 20 vạn đồng Đông Dương, bằng 500 cây vàng. Ủy ban Nhân dân Hà Nội cho biết đóng góp của ông bà Trịnh Văn Bô cộng lại là 5.147 cây vàng, giá trị hơn gấp đôi ngân khố do Pháp để lại là 1,2 triệu đồng.
Cần nói sơ thêm về ông Trịnh Văn Bính, anh ông Bô. Ông là người VN đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Thương nghiệp HEC (Hautes Études Commerciales, Pháp) và Đại Học Oxford (Anh), về nước là công chức cao cấp ngành thuế của Đông Dương, dân Hà Nội gọi ông là Ông Phó Đoan. Sau 19/8/1945 ông Phạm Văn Đồng cử ông là thứ trưởng Tài chính kiêm Tổng giám đốc ngành thuế vụ kiêm luôn Tổng giám dốc quốc gia Ngân hàng. Ông đã xây dựng ngành thuế trong chiến tranh, kiểm soát chặt các cửa khẩu giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm, mang lại ngân sách đáng kể cho trung ương và các địa phương, một trong những điều kiện quyết định của phong trào tự túc, cho kháng chiến thắng lợi. Ông về hưu năm 1975 và mất năm 1985 trong cảnh nghèo nàn, đảng CS không hề nhắc đên công ơn của 2 anh em ông đã cống hiến to lớn ra sao.
Sau chiến thắng 30/4/1975, gia đình ông bà Bô gặp khó khăn về nhà ở vì con cái, dâu rể cháu chắt tăng lên, cả 60 người chỉ có 2 ngôi nhà cũ xuống cấp, không có nơi đặt bàn thờ đàng hoàng. Trước đó, cuối năm 1954, do sức ép ghê gớm của phong trào cải tạo tư sản do ông Đỗ Mười chỉ đạo, ông bà Bô đành cho ông Thiếu tướng Hoàng Văn Thái ‘’mượn tạm ngôi biệt thự, 34 Hoàng Diệu’’, với thời hạn là 2 năm ghi rõ trên giấy tờ. Năm 1983, tình cảnh gia đình quá gay go, ông bà tỏ ý ‘’xin lại’’ ngôi nhà trên, khi thời hạn đã quá hẹn 8 năm, gấp 4 lần hẹn. Ông chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng rất thông cảm, hết lòng ủng hộ yêu cầu chính đáng này. Nhưng vô hiệu. Ông bà liền yêu cầu Bộ Quốc phòng và Tổng Cục Chính trị QĐND can thiệp, nghĩ rằng quân đội tử tế khi mang tên nhân dân, cũng vô hiệu, vì ông Thái đã là Thượng tướng lại thông gia với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không thể còn tin ở những tướng lĩnh của QĐND, hai ông bà gửi một loạt đơn cho lãnh đạo đảng, từ Tổng Bí thư đến Chủ tịch nước và Thủ tướng, nhưng suốt 5 năm đều công cốc, không một ai hồi âm, một sự im lặng đáng sợ. Ông Võ Văn Kiệt ghi vào đơn tán thành trả lại sớm, nhưng không ăn thua vì vấp Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Cho đến khi ông Võ Chí Công lên làm Chủ tịch Nước, ông Công mới can thiệp khá mạnh. Ông Công là dân Quảng Nam, nói toạc rằng, ‘’Định cướp không nhà người ta à?‘’. Phải có thêm công văn của ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngôi nhà mới được trả cho chủ năm 1993. Bà Bô than rằng bà mừng khi được tin vui, chỉ tiếc cụ Bô mất năm 1988 cũng như cụ Bính mất năm 1985, không biết đến niềm vui quá trễ này!
Tôi cũng xin kể một chuyện khác gây ấn tượng ghê gớm trong suy tư của tôi suốt gần 40 năm ròng, không liên quan đến vài gia đình mà liên quan đến gần 1.600 con người. Tôi không thể không nhắc lại chuyện này khi trong cuộc bầu cử năm nay lãnh đạo đảng vẫn kỳ thị phân biệt đối xử giữa đảng viên và dân ngoài đảng một cách có hệ thống.
Đó là vụ Tàu Việt Nam Thương Tín tháng 5/1975 chở 600 bà con thuyền nhân di tản sang đảo Guam của Hoa Kỳ. Bà con chờ để vào Mỹ thì có một số người có ý muốn trở về nước. Động cơ chính là lo bố mẹ vợ chồng con cháu ở lại không biết ra sao. Đây là nét đẹp rất Việt Nam, không ai muốn hưởng an bình một mình, không lo cho người thân. Thêm nữa họ mở to đài Hà Nội nghe ngóng, thấy không có tắm máu, cuộc sống miền Nam vẫn dễ thở, đảng CS vẫn ba hoa về ‘’hòa giải và hòa hợp dân tộc’’. Người ghi tên trở về ngày càng đông, đến tháng 10 lên đến gần 1.600 người, già trẻ lớn bé. Họ đều có lo ngại, nhưng tin vào luận điệu tuyên truyền trên đài Hà Nội, bảo nhau rằng dân Việt ta rất nhân hậu, ‘’ đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại ‘’. Trung tá hải quân VNCH Trần Đình Trụ tình nguyện lái tàu trở về. Đến Vũng Tàu, tàu được lệnh ra Tuy Hòa/ Nha Trang. Tại đây chưa hỏi han gì, tất cả đều phải vào trại giam là Trung tâm Thẩm vấn cũ của Quân Đoàn II, quần áo cũ bị lột sạch, mang quần áo tù nhất loạt. Bộ Công an cử cả một đoàn lớn cán bộ vào do ông Sáu Hoàng (Cao Đăng Chiếm), Thứ trưởng lãnh đạo. Tôi gặp ông Hoàng, góp ý sao Bộ Công an lại ‘’đối xử phi lý, bất công, dại dột như thế, đẩy tất cả và gia đình họ vào thế chống đối thù hận không đáng có’’. Ông ta lạnh lùng nói: “Đây là nghiêm lệnh từ Bộ Chính trị, nhất là của các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, sáng suốt đề phòng bọn Mỹ cấy người của chúng vào nước ta ‘’.
Từ đó tôi hiểu dần rằng Bộ Chính trị đảng CS là loại người không giống ai, tình cảm khô cạn, tư duy bệnh hoạn, nhìn đâu cũng e sợ là kẻ thù của đảng, không có khả năng phân biệt, đánh giá vô tư khoa học từng con người. Trung tá Trụ bị tù đến 13 năm, dân thường bị tù từ 3 năm trở lên, bị ghi hồ sơ cá nhân ‘’phạm pháp, từng bỏ nước, hợp tác đầu hàng đế quốc Mỹ ‘’, sẽ mãi mãi không ngóc đầu lên được.
Đó là hồ sơ thành tích trọng dân, quý dân, gần dân của lãnh đạo CS là như thế. Tôi mong tất cả các đảng viên CS còn có tư duy lành mạnh, có tâm huyết với đất nước , yêu nước thương dân thật lòng, hãy chào từ biệt đảng CS, chung sức lập ra đảng cách mạng mới theo Luật lập hội. Đảng CS nào cũng chung bản chất tư duy, lẫn lộn bạn thù ta, ngồi trên đầu nhân dân, coi quyền lực là trên hết theo nguyên lý chuyên chính vô sản là chân lý vĩnh cửu.
Hãy nhìn cho sâu, cho rõ, đảng CSVN nay đã trở thành vật cản nguy hiểm độc nhất cho đất nước ta trên con đường hội nhập, phát triển, dân chủ, đoàn kết thống nhất, bình đẳng, đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Hàng trăm đảng CS hùng mạnh một thời ở Liên Xô, Đức, Ba Lan, Anh, Pháp, Ý, Nhật, Indonesia, Malaysia đã tan rã triệt để, số ít thoi thóp, đổi tên, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê, từ bỏ chuyên chính vô sản, không còn thế đứng nào trên toàn thế giới. Lý do chính là họ đã mất gốc dân tộc, mất gốc nhân dân, coi nhân dân như con số không, chỉ có đảng CS của họ là trên hết, trước hết.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.