Đường dẫn truy cập

Tổng thống Nam Triều Tiên kêu gọi đoàn kết quốc gia


Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak kêu gọi đoàn kết quốc gia và nói rằng Bắc Triều Tiên trông đợi sự chia rẽ ở miền Nam như một cơ hội để tấn công
Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak kêu gọi đoàn kết quốc gia và nói rằng Bắc Triều Tiên trông đợi sự chia rẽ ở miền Nam như một cơ hội để tấn công

Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-Bak kêu gọi đoàn kết quốc gia, và nói rằng sự sống còn của đất nước đang lâm nguy trước thái độ ngày càng hung hãn của miền Bắc cộng sản. Nhận định được đưa ra trong bài phát biểu trên đài phát thanh là lập luận mới nhất trong những tuyên bố ngày càng cứng rắn của Tổng thống Lee Myung-bak. Phát biểu được đưa ra vào lúc quân đội miền nam tiến hành thêm các cuộc tập trận một tháng sau khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường trình sau đây.

Trong khi cam kết kiên quyết trả đũa nếu lại bị khiêu khích bởi Bắc Triều Tiên, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-Bak tuyên bố rằng nước ông muốn có hòa bình. Nhưng ông nói với quốc dân rằng thái độ sợ hãi chiến tranh không bao giờ giúp người ta ngăn ngừa được nó.

Ông Lee hôm nay đã đưa ra nhận định như thế trong bài diễn văn đọc hai tuần một lần, lần cuối cùng trong năm. Ông kêu gọi đoàn kết quốc gia và nói rằng Bắc Triều Tiên trông đợi sự chia rẽ ở miền nam như một cơ hội để tấn công.

Khi đề cập đến an ninh quốc gia, ông Lee đã kêu gọi đoàn kết dân tộc và nói rằng “mạng sống của chúng ta và sự tồn tại của đất nước tùy thuộc vào sự đoàn kết đó”.

Tổng thống Nam Triều Tiên nói đến Bắc Triều Tiên như một chính phủ hung hăng hiếu chiến nhất trên địa cầu.

Ngôn từ của vị Tổng thống chủ trương bảo thủ đã trở nên càng ngày càng gay gắt kể từ khi xảy ra cuộc pháo kích vào đảo Yeonpyong hôm 23 tháng 11, làm thiệt mạng 2 binh sĩ và 2 thường dân. Ông Lee, chính phủ và quân đội đã bị chỉ trích về phản ứng chậm chạp, lúng túng và thiếu nhiệt tình.

Kể từ khi đó, đã diễn ra một loạt các cuộc tập trận tại miền nam, 2 trong số các cuộc thao dượt trên bộ và trên biển có sự tham gia của Hoa Kỳ thực tập.

Cuộc thực tập mới nhất do thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên thực hiện diễn ra trong tuần này. Các giới chức quốc phòng cho biết các cuộc thực tấp bắn súng sẽ được thực hiện tại ít nhất 23 địa điểm, trong đó có 12 nơi ở ngoài duyên hải phía tây. Nhưng các giới chức nói rằng sẽ không có cuộc tập bắn nào diễn ra gần đường ranh giới phía bắc, là ranh giới biển trong Hoàng Hải mà Bắc Triều Tiên chưa bao giờ công nhận.

Bình Nhưỡng biện minh cho việc họ pháo kích vào đảo Yeonpyong hồi tháng rồi là để đáp lại cuộc bắn đại pháo từ đảo này của Nam Triều Tiên vào vùng biển đang tranh chấp.

Căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 3 khi một chiến hạm Nam Triều Tiên phát nổ và chìm trong Hoàng Hải, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Một cuộc điều tra của quốc tế kết luận là chiến hạm Cheonan đã bị trúng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên bác bỏ trách nhiệm này.

Hôm nay, Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng công luật chia rẽ của miền Nam sau vụ tấn công của ngư lôi vừa kể đã dẫn đến việc Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyong.

Các nhà nghiên cứu thuộc bộ quốc phòng ở Seoul nói rằng có rất nhiều khả năng sẽ xảy ra thêm các cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên ở Hoàng Hải vào năm tới.

Một báo cáo của Vịn nghiên cứu Sách lược An ninh công bố hôm qua kết luận rằng Bắc Triều Tiên có thể tấn công nhắm vào 5 hòn đảo trong khu vực biển có tranh chấp ngoài khơi duyên hải phía tây.

Phúc trình nói rằng sự kiện này có liên kết với việc chuyển giao quyền hành tại Bình Nhưỡng, với việc các nhà lãnh đạo quân đội đua nhau bày tỏ sự trung thành với người hiển nhiên sẽ thừa kế quyền hành là Kim Jong Un, con trai của lãnh tụ Kim Jong Il.

Hai miền Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao với nhau. Trên nguyên tắc, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh từ khi một hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953 chấm dứt 3 năm chinh chiến giữa hai miền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG