Tổ chức Xử lý Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã lên tiếng cảnh báo về vụ tranh chấp về đường ranh giới trên biển giữa Bắc và Nam Triều Tiên, trong khi chính quyền Bình Nhưỡng dường như đang chuẩn bị chuyển giao hàng ngũ lãnh đạo. ICG nói rằng trong tình hình bất định như vậy, cần có các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm bớt khả năng xảy ra môt cuộc chiến toàn diện.
Trong một phúc trình mới, tổ chức này hối thúc Bình Nhưỡng và Seoul chấp nhận vai trò điều giải của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp. Bắc Triều Tiên không thừa nhận Đường giới hạn phía Bắc ở Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía Tây, do một chỉ huy người Mỹ vạch ra hồi năm 1953, vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Ông Daniel Pinkston là Phó giám đốc dự án khu vực Đông Bắc Á của ICG. Ông thừa nhận rằng ngay lúc này, Nam Triều Tiên không muốn thương thảo về việc thay đổi đường lãnh hải.
Ông Pinkston nói: “Điều đó sẽ gây khó khăn về mặt chính trị tại miền Nam vì gần như có phần chắc là sẽ đòi hỏi những điều có vẻ là nhượng bộ. Khi bàn về đường biên, dường như đây là một cuộc chơi không ai giành thắng lợi. Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên có những thái độ như gần đây, chuyện đó sẽ không hợp lòng dân.”
Bắc Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong một tháng trước, làm người miền Nam thiệt mạng. Bình Nhưỡng tuyên bố họ làm vậy để đáp trả việc tập trận bắn đạn pháo của Nam Triều Tiên.
Trong khi đó, Nam Triều Tiên cũng đã phản ứng bằng cách tiến hành một loạt các cuộc thao diễn quân sự, bao gồm cả việc huấn luyện đại bác hôm thứ Hai trên đảo Yeonpyeong, và các cuộc tập trận lớn gần khu vực biên giới hôm thứ Năm.
Các học giả Bắc Triều Tiên dự đoán rằng Bình Nhưỡng gây căng thẳng để củng cố hình ảnh của nhân vật được cho sẽ lên kế nhiệm vị trí lãnh đạo, Kim Jong Un – tức con trai của lãnh tụ Kim Jong Il.
Căng thẳng đã gia tăng kể từ hồi tháng Ba. Khi đó một chiếm hạm của Nam Triều Tiên đã nổ và chìm ở Hoàng Hải. Bình Nhưỡng bác bỏ kết luận từ một cuộc điều tra của quốc tế rằng tàu Cheonan trúng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Một cựu giới chức ngoại giao Hoa Kỳ, nhân vật công du tới Bình Nhưỡng trong tháng này, đã gọi bán đảo Triều Tiên Tiên là một ‘chảo lửa’.
Ông Richardson nói: “Tình hình căng thẳng đến độ cần phải có một hành động ngoại giao nào đó, tỷ như phái một đặc sứ của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc cũng cần phải tham gia nhiều hơn. Cuối cùng thì cuộc đàm phán sáu bên phải tái nhóm để Bắc Triều Tiên chứng tỏ là họ nghiêm túc về thái độ của mình cũng như nghiêm túc đàm phán.”
Ông Richardson cho hay ông đã tường trình với các giới chức Hoa Kỳ về chuyến công du của ông cũng như những nhượng bộ mà Bình Nhưỡng đề xuất có liên quan đến các chương trình hạt nhân của nước này.
Tòa Bạch Ốc lại cho rằng không có lý do nào để trở lại các cuộc thảo luận đa quốc gia cho tới khi nào Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động hiếu chiến và thực thi các cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Bắc Triều Tiên đã rút ra khỏi các cuộc đàm phán sáu bên vào năm 2009.
Một tổ chức quốc tế chuyên về ngăn chặn xung đột đã cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng trên bán đảo Triều Tiên. Phúc trình được đưa ra một tháng sau khi một cuộc pháo kích đã làm bốn người Nam Triều Tiên thiệt mạng. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1