Hội chữ thập đỏ Nam Triều Tiên hôm nay lại yêu cầu Bắc Triều Tiên nhận lại 27 người muốn trở về.
Bắc Triều Tiên từ chối nhận 27 người, đi trên một tàu đánh cá chạy vào hải phận miền Nam. Bình Nhưỡng nói rằng Seoul phải đưa cả 4 người nữa đã yêu cầu được ở lại Nam Triều Tiên đến biên giới để gặp thân nhân của họ đến từ Bắc Triều Tiên.
Nữ Phát ngôn viên bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Lee Jong-joo cho biết Seoul không thể chấp thuận việc đó và Bình Nhưỡng phải nhận những muốn trở về nhà.
Bà Lee cho biết lập trường của chính phủ Nam Triều Tiên là việc hồi hương 27 người Bắc Triều Tiên phải được xử lý dựa theo quyền tự do của họ và theo một quan điểm nhân đạo. Bà Lee nói thêm rằng Nam Triều Tiên sẽ tiếp tục làm việc với miền Bắc để giải quyết vấn đề ngay lập tức.
Ông Kim Soo-am, một nhà nghiên cứu tại Học Viện Thống nhất quốc gia Nam Triều Tiên do chính phủ tài trợ. Ông nói rằng không thể nào cưỡng bách hồi hương 4 người kia vì tình trạng đàn áp chính trị tại Bắc Triều Tiên và vì sự ngược đãi chắc chắn họ sẽ phải chịu đựng nếu bị gửi trả về.
Ông Kim nói ngay cả trong trường hợp cả hai nước Triều Tiên đồng ý mở cuộc họp giữa hai hội Chữ thập đỏ, vấn đề sẽ không được giải quyết dễ dàng. Đó là vì, theo lời ông, vấn đề này xen lẫn với nhiều khía cạnh của tình hình chính trị nội bộ của Bắc Triều Tiên và cuộc giằng co giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên, qua những phương tiện truyền thông, đã cảnh cáo về những hậu quả nghiêm trọng nếu tất cả 31 người Bắc Triều Tiên đó không được giao trả cùng với nhau. Bình Nhưỡng nói rằng việc Nam Triều Tiên cầm giữ nhóm này trên một tháng là “vô nhân đạo.”
Nam Triều Tiên mô tả nhóm người này là một tập thể đi đánh bắt sò hến và hồi đầu tháng hai chiếc tàu gỗ của họ đã trôi dạt vào phía nam khu vực biên giới trên Hoàng Hải đang trong vòng tranh chấp giữa hai miền.
Bốn người không muốn trở về Bắc Triều Tiên được mô tả là viên thuyền trưởng 38 tuổi, một người đàn ông thất nghiệp 44 tuổi, một nữ chuyên viên thống kê 22 tuổi và một nữ y tá 21 tuổi.
Hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên đă chạy trốn nạn đói và tình trạng áp bức bằng cách vượt biên qua Trung Quốc trong hai thập niên vừa qua, và khoảng 20.000 người cuối cùng đã tới được Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, hiếm khi có những chuyến vượt biên trực tiếp bằng đường biển vào miền Nam.
Một cuộc giằng co tiếp tục giữa hai nước Triều Tiên về số phận của 31 người Bắc Triều Tiên đi trên một chiếc tàu đánh cá bị dạt vào miền Nam hồi tháng trước. Nam Triều Tiên và Bộ Chỉ huy Liên Hiệp Quốc cho biết có 4 người trong nhóm này muốn ở lại miền Nam. Nhưng Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng tất cả phải cùng được trao trả về miền Bắc. Từ thủ đô Seoul, Thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gửi về bài tường thuật sau đây.